Thời gian gần đây, giá tiêu không ngừng tăng, có thời điểm chạm mốc gần 200 ngàn đồng/kg, về lại mức giá kỷ lục từng xuất hiện nhiều năm trước đây. Nguyên nhân giá tiêu hồi phục do nguồn cung thiếu hụt sau nhiều năm khó khăn, nông dân bỏ cây trồng này khiến diện tích tiêu giảm mạnh.
Vườn tiêu mới trồng của gia đình ông Đào Văn Lành (ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) phát triển tốt. Ảnh: B.Nguyên |
Giá tiêu tăng về mức cho lợi nhuận cao, nông dân trồng tiêu đang tập trung chăm sóc, cải tạo vườn tiêu đã có. Một số nông dân có vườn tiêu già cỗi mạnh dạn đầu tư trồng mới hoặc nhân rộng diện tích so với trước.
Giá tiêu tăng cao do hụt nguồn cung
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110 ngàn tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu trên thị trường xuất khẩu tăng cao do nguồn cung giảm là nguyên nhân khiến từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu trong nước không ngừng tăng.
Cụ thể, ngay trong vụ thu hoạch năm 2024, giá tiêu đạt mức bình quân khoảng 90 ngàn đồng/kg, tăng hơn 20 ngàn đồng/kg so với mức bình quân vụ thu hoạch năm 2023. Sau khi vụ thu hoạch tiêu năm 2024 kết thúc, giá tiêu lại có những bước nhảy vọt mới, có thời điểm chạm mốc 200 ngàn đồng/kg. Cuối tháng 6, giá tiêu có đợt giảm giá mạnh so với hồi đầu tháng, hiện đang ở mức 158-160 ngàn đồng/kg.
Theo một số chuyên gia trong ngành, nguyên nhân giá tiêu bất ngờ giảm mạnh sau khi tăng sốc do giá tiêu quá cao khiến một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này tạm dừng mua. Đây là động thái nhằm cân bằng lại thị trường hồ tiêu đang bị “đầu cơ”. Ngoài ra, giá tiêu nội địa giảm còn do giá tiêu Việt Nam xuất khẩu vào tháng 6 giảm hơn so với các phiên giao dịch trước đó.
Tính đến cuối năm 2023, Đồng Nai có gần 10,8 ngàn hécta tiêu, sản lượng đạt hơn 27,8 ngàn tấn, giảm hàng ngàn hécta so với vài năm trước đó.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong thời gian ngắn hạn, giá tiêu có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng sẽ không quá sâu, khó có thể về mức giá thấp như trước đây và thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu trên cả nước có hơn 130 ngàn hécta nhưng đến năm 2023, diện tích này giảm còn 120 ngàn hécta với sản lượng đạt 190 ngàn tấn. Năm 2024, ước tính sản lượng hồ tiêu chỉ còn khoảng 170 ngàn tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Cũng theo Hiệp hội VPSA, năm 2024, dự kiến sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt khoảng 465 ngàn tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529 ngàn tấn, vượt 64 ngàn tấn so với sản xuất. Giới chuyên gia nhận định, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay cùng với diện tích trồng, nguồn cung tiêu trong năm 2025 cũng là thách thức. Dự báo giá hồ tiêu còn tiếp tục tăng cao, lập kỷ lục mới về giá trong thời gian tới vì nguồn cung vẫn thiếu hụt.
Nông dân trồng tiêu mạnh dạn đầu tư
Với giá tiêu như hiện nay, nông dân trồng tiêu đạt lợi nhuận cao để mạnh dạn đầu tư phát triển cây trồng này.
Ông Đào Văn Lành, nông dân trồng tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), phấn khởi cho biết: “Khi giá tiêu lên mức 180 ngàn đồng/kg, tôi quyết định bán ra lượng tiêu dự trữ của vụ thu hoạch trước, vì đây là mức giá cho lợi nhuận cao. Dự báo tình hình, từ năm ngoái, tôi đã trồng thêm gần 2 sào tiêu. Đây là vùng đất đỏ, rất phù hợp cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển nên tôi vẫn tin tưởng đầu tư vào cây trồng này”.
Cùng quan điểm, anh Đào Minh Hiền, nông dân trồng tiêu tại xã Xuân Thọ, chia sẻ vụ thu hoạch vừa qua do mất mùa nên gần 1 hécta tiêu, gia đình anh chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn hạt. Hiện lượng tiêu này vẫn được anh trữ trong kho chờ giá tăng cao hơn nữa mới xuất bán. Giá tiêu tăng cao cho lợi nhuận tốt nên anh càng yên tâm đổ vốn đầu tư chăm sóc cho cây trồng này, kỳ vọng đạt sản lượng cao hơn trong mùa vụ tới.
Anh Hiền cho hay: “Tiêu là cây khó chăm, khó trồng. Trong đó, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây trồng này vẫn rất khó trị dứt nên hàng năm, tôi đều trồng dặm lại những cây tiêu bị suy kiệt hoặc chết do dịch bệnh để giữ ổn định diện tích vườn tiêu hiện tại”.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ Nguyễn Thanh Tân cho biết thêm, tiêu là cây trồng chủ lực tại địa phương nên nông dân rất giàu kinh nghiệm trồng tiêu. Những năm qua, giá tiêu thấp khiến một số nông dân trồng tiêu chuyển đổi sang cây trồng khác. Khi giá tiêu tăng cao, nhiều nông dân quay lại đầu tư tái tạo vườn tiêu già cỗi hoặc trồng thêm diện tích mới. Ông Tân so sánh: “Hiện một dây tiêu giống bán ra ở mức 20-25 ngàn đồng/dây, tăng gấp đôi so với trước. Sự biến động của thị trường hồ tiêu giống cho thấy nhu cầu mua giống đang tăng cao”.
Người trồng tiêu tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang tập trung dưỡng lại vườn tiêu sau thời gian đầu tư cầm chừng vì giá thấp với mong muốn khôi phục lại năng suất cây trồng này. Nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang nhân rộng mô hình trồng tiêu, nuôi dê, tận dụng nguồn lá cây từ trụ tiêu làm thức ăn nuôi dê, nguồn phân chuồng trong chăn nuôi được tận dụng để bón cây. Với mô hình này, nông dân đang chuyển đổi canh tác tiêu theo hướng hữu cơ để phát triển cây tiêu bền vững hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin