Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai chung tay trong bảo vệ đa dạng sinh học

Hoàng Lộc - Nguyễn Ngọc
07:20, 01/07/2024

Đồng Nai là trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) bậc nhất vùng Đông Nam Bộ. Có được kết quả này là nhờ công tác đánh giá, hoạch định chính sách đúng đắn; nỗ lực bảo vệ, gìn giữ, phát triển ĐDSH nhiều năm qua của tỉnh.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Biên Hòa trong cuộc thi Tìm hiểu về đa dạng sinh học năm 2024.
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Biên Hòa trong cuộc thi Tìm hiểu về đa dạng sinh học năm 2024.

Phát huy thành quả này, trong Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hội tìm hiểu về ĐDSH.

Là trung tâm đa dạng sinh học lớn của vùng

Đồng Nai là trung tâm ĐDSH của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Nơi đây có những đặc trưng ĐDSH mà ít nơi nào có được, đó là rừng, hồ, bàu, sông có những loài đặc hữu quý hiếm. Tại Đồng Nai hiện có các khu vực có ĐDSH cao là: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, rừng phòng hộ Tân Phú, Núi Chứa Chan, rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch, Sông Đồng Nai và hồ Trị An, Sông Thị Vải và lưu vực.

Hiện ĐDSH đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể, nó là môi trường sống của hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Nhiều năm qua, khu vực có ĐDSH và vùng đệm là nguồn sinh kế của hàng chục ngàn hộ gia đình. Không những thế, ĐDSH đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, cân bằng lại với phát triển công nghiệp và đô thị, góp phần giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong tương lai gần, các khu vực có ĐDSH là cơ sở để tỉnh khai thác các nguồn thu từ: lâm sản có chứng chỉ xuất khẩu, dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon.

Dù vậy, tài nguyên ĐDSH của tỉnh đang bị suy giảm do những hoạt động của con người như: phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật, chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên; các yếu tố tự nhiên như: sự suy giảm của một số loài, xâm nhập các loài ngoại lai dẫn đến cạnh tranh nguồn thức ăn và địa bàn sinh sống, tác động của biến đổi khí hậu…

Thực tế trên đòi hỏi công tác phục hồi và bảo vệ ĐDSH phải ngày một coi trọng hơn. Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường, bảo vệ ĐDSH là trách nhiệm của cả cộng đồng. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, từ đó làm thay đổi ý thức của mọi người với bảo vệ ĐDSH, môi trường sinh thái là rất quan trọng. Trong Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền đa dạng sinh học. Cuộc thi được tổ chức với mong muốn chị em phụ nữ sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phục hồi đa dạng sinh học.

Góp phần làm chậm suy giảm ĐDSH

Thời gian qua, mặc dù trung ương đã có nhiều chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia, cũng như sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều dự án quốc tế và trong nước, nhưng suy giảm ĐDSH vẫn là một thách thức lớn.

Để làm chậm quá trình này, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, có tuân thủ nghiêm Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng ban hành nghị quyết liên quan đến hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ở vùng đệm khu vực có ĐDSH cao nhằm hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên; truyền thông bảo vệ ĐDSH thông qua thi vẽ tranh, tiểu phẩm, tìm hiểu kiến thức pháp luật…

Tại cuộc thi Tìm hiểu về ĐDSH năm 2024 mới đây, các đội thi đã cập nhật được kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến ĐDSH; vai trò, giá trị, ý nghĩa của ĐDSH đối với cuộc sống; truyền tải thông điệp hướng tới lối sống văn minh, thân thiện với môi trường; không săn bắt, mua bán và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái phép... Bên cạnh đó, các đội thi cũng giới thiệu ĐDSH đặc trưng của địa phương cho mọi người biết.

Chẳng hạn, đội Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Xuân Lộc giới thiệu ĐDSH núi Chứa Chan, loài voọc Chà vá chân đen mới được phát hiện và các giải pháp để bảo tồn loài này cũng như ĐDSH của khu vực. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu giới thiệu mô hình du lịch không dùng túi ny-lông ở Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Long Khánh trình diễn thời trang tái chế với kêu gọi chung tay hành động giải quyết khủng hoảng về ĐDSH và khí hậu…

Theo bà Phí Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Cuộc thi này là sân chơi bổ ích, một trải nghiệm thực tế thú vị giúp các hội phụ nữ có những hiểu biết cơ bản về ĐDSH, hệ sinh thái và tính ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, chị em phát huy vai trò là những tuyên truyền viên trong nỗ lực phục hồi ĐDSH và bảo vệ môi trường của tỉnh.

Hoàng Lộc - Nguyễn Ngọc

Tin xem nhiều