Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế từ 20-400% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này đã khiến cho quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng hơn. Điều đó có thể tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu đang phục hồi sau suy thoái.
Gỗ là mặt hàng đang chịu những áp lực từ phòng vệ thương mại của Mỹ. Ảnh: V.Gia |
Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Do đó, khi sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc có tác động nhất định đến thương mại Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đi kèm với đó là sự kiểm soát gắt gao hơn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Có thể gia tăng giá trị hàng xuất khẩu
Ngày 14-5-2024, Mỹ đã quyết định tăng mạnh thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như: xe điện, chíp máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần. Tổng cộng các biện pháp đánh thuế mới sẽ tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây chỉ là bước đi mới, bởi các năm trước đó, Chính phủ Mỹ đã đánh thuế mạnh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường này. Phía Trung Quốc cũng đã đáp trả Mỹ, gây ra những ảnh hưởng, xáo trộn và phân cực cho nền kinh tế thế giới.
Đối với Việt Nam, thêm cơ hội trong việc đón sự dịch chuyển của dòng đầu tư ra khỏi Trung Quốc; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ khi sản phẩm từ nước này bị áp thuế. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ đã mua hàng từ các nhà cung ứng nước ta với trị giá 44 tỷ USD, là mức tăng ấn tượng hơn 20% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5-2023, thị trường Mỹ nhập từ Việt Nam gần 10 tỷ USD hàng hóa. Không chỉ Mỹ, sự gia tăng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng ấn tượng, đạt 22,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Đây là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt Nam trong nhiều năm qua.
Một sự mong chờ nữa là Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là một phiên thảo luận quan trọng để Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vào ngày 26-7 tới. Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động rất tích cực tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, do nhiều mức thuế sẽ giảm sâu.
Nhận định về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), tiến sĩ Phạm Sỹ Thành đánh giá, Việt Nam đang có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang Mỹ để thay thế luồng suy giảm từ Trung Quốc. Cơ hội về đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi các nhà sản xuất nhận thấy rằng căng thẳng không chỉ đến từ chính sách của Mỹ mà những thay đổi chính sách từ Trung Quốc cũng có tác động rất lớn đến hoạt động quyết định đầu tư của họ tại quốc gia này. Điều đó cũng tạo động lực để các DN nâng cấp ngành hàng đang sản xuất trong nước, đặc biệt khi chuỗi dịch chuyển liên quan đến các ngành công nghệ cao đang diễn ra.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, Đồng Nai đã xuất khẩu vào Mỹ hơn 2,8 tỷ USD, chiếm hơn 30,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Cần chuẩn bị cho các vụ việc phòng vệ thương mại
Các cơ hội đã được chỉ ra song đi kèm với đó cũng là nhiều thách thức, trong đó vấn đề bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật sẽ ngày một dày đặc hơn đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam nói chung và đối với từng DN nói riêng.
Đơn cử, đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (đang áp dụng với Trung Quốc). Dự kiến tới tháng 9-2024, sẽ có kết luận về vụ việc trên nên DN gỗ hiện rất lo lắng. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với các DN sản xuất, xuất khẩu, không cách nào khác là phải tuân thủ tiêu chuẩn ngay từ đầu.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Phương chia sẻ, các DN cần tìm thêm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, nhất là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phó giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (USAID TFP) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, DN cần chủ động lưu trữ hồ sơ liên quan đến nguyên vật liệu, thành phẩm, quy trình sản xuất... Điều này giúp ích khi có thể dễ dàng chứng minh trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng cần chủ động tham vấn với cơ quan chức năng về xuất xứ hàng hóa, cũng như tìm kiếm thông tin liên quan đến chống bán phá giá, phòng vệ thương mại.
Đối với các cơ quan nhà nước, theo các chuyên gia kinh tế thì Việt Nam cần dự báo chính xác các xu hướng vận động cũng như tác động của những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Từ đó có giải pháp phù hợp, giảm rủi ro và hạn chế những tác động tiêu cực đối với xuất, nhập khẩu của đất nước.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin