Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư thiết kế sản phẩm

Khánh Minh
08:00, 21/06/2024

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà phân phối quốc tế đã đến Việt Nam tìm mua sản phẩm nông nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp. Mục tiêu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia là tìm nguồn cung hàng hóa từ nhiều nước để không bị lệ thuộc vào một vài nước lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ... Thời gian qua, nhiều ngành hàng quốc tế cũng đã thương lượng, phân bố lại chuỗi cung ứng phù hợp trên toàn cầu.

Xu hướng trên đã mở ra nhiều cơ hội cho Đồng Nai, cũng như Việt Nam và các nước trong khu vực Asean. Đây cũng là lý do giúp cho xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các tập đoàn lớn như: Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Aeon, Uliqlo (Nhật Bản), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan), Coppel (Mexico), Falabella (Chile), Ikea (Thụy Điển)…, nhiều mặt hàng của Việt Nam chỉ bán những gì có sẵn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hình thức gia công nên giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận doanh nghiệp thu được ít.

Theo các tập đoàn, nhãn hàng quốc tế, muốn sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ… đem lại giá trị cao thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chú ý đầu tư khâu thiết kế sản phẩm. Tùy theo từng sản phẩm, thị trường, đội ngũ thiết kế phải có sự am hiểu về nhu cầu của người tiêu dùng, xu hướng theo mùa, năm để thiết kế những sản phẩm phù hợp. Nếu thành công ở khâu thiết kế, sản phẩm có thể tăng giá trị từ 2-4 lần so với bán sản phẩm có sẵn.

Hiện nay, khâu thiết kế sản phẩm của nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng như cả nước còn rất yếu. Vì thế, những sản phẩm có thương hiệu mang tầm vóc quốc gia còn ít và thiếu những thương hiệu lâu năm. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… có những thương hiệu có bề dày từ 100-200 năm.

Tại Việt Nam, hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên thường bị hạn chế về vốn, nhân lực. Vì thế, việc đầu tư cho khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Theo các doanh nghiệp, lãi suất các ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vẫn còn rất cao so với những nước trong khu vực như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn vay đầu tư nhiều vào khâu nghiên cứu thị trường và thiết kế sản phẩm. Do đó, không ít doanh nghiệp, cơ sở làng nghề ở Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dù nhu cầu thị trường thế giới lớn. Nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương nên có những chính sách thiết thực hơn nữa về vốn, đào tạo nguồn nhân lực để giúp doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các thị trường trên thế giới. Doanh nghiệp đa dạng các dòng sản phẩm, sẽ dễ dàng tìm đối tác đặt hàng lâu dài.

Khánh Minh

Tin xem nhiều