Bố trí suất tái định cư (TĐC) cho người dân, tiến tới chỉ thực hiện thu hồi đất sau khi đã bố trí TĐC là nhiệm vụ đang được Đồng Nai gấp rút triển khai. Đồng thời, tỉnh đặt ra mục tiêu kép bố trí suất TĐC cho người dân và đẩy tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành trong năm 2024. Ảnh: P.Tùng |
Để hiện thực hóa mục tiêu kép nói trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22-4-2024 về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ, TĐC trên địa bàn tỉnh.
* Chấm dứt “nợ” suất TĐC trước năm 2026
Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong bốn lĩnh vực đột phá phát triển được Đồng Nai xác định lâu nay. Để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, công tác giải phóng mặt bằng có vai trò hết sức quan trọng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển hạ tầng thì khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng. Muốn có mặt bằng thì khâu TĐC là rất quan trọng.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác giải quyết TĐC cho người dân có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, việc chậm quy hoạch, xây dựng các khu TĐC đã dẫn đến tình trạng nợ TĐC, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như đời sống của các hộ dân.
Trong giai đoạn từ năm 2014-2023, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành 116 khu TĐC và bố trí cho 13.729/14.501 hộ dân phải bố trí TĐC. Tại các khu TĐC, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thuận lợi hơn so với nơi ở cũ. |
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng, bố trí các khu TĐC trên địa bàn tỉnh là chưa kịp thời.
Xuất phát từ thực tế trên, Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã đặt mục tiêu từng địa phương phải tự rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí TĐC cho địa phương mình. Đảm bảo trước năm 2026, phải hoàn thành 100% việc bố trí TĐC cho số lô TĐC còn “nợ”, chưa bố trí. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định nhu cầu TĐC đảm bảo chính xác, đúng với thực tế của địa phương (bao gồm cả số lô TĐC còn nợ và số lô TĐC mới). Việc tính toán, dự báo nhu cầu TĐC chia làm 3 giai đoạn cụ thể gồm: tính toán chính xác cho các năm 2024, 2025 và dự báo cho giai đoạn 2026-2027 đến năm 2030. Công tác dự báo nhu cầu TĐC để thực hiện đầu tư xây dựng các khu TĐC phải gắn với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Đối với việc bố trí suất TĐC vào những khu TĐC liền kề giữa 2 địa phương phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh và sự đồng thuận của người dân bị thu hồi đất; nghiên cứu, có phương án xây dựng chung cư cao tầng để phục vụ bố trí TĐC, đảm bảo phù hợp, tạo điểm nhấn về kiến trúc trong khu vực. Các khu TĐC sau khi được quy hoạch phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời; thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính trong việc lập các dự án TĐC, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
* Có TĐC trước khi thu hồi đất
Thành phố Biên Hòa là địa phương nợ suất TĐC nhiều nhất của tỉnh. Do đó, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và quy hoạch thêm các khu TĐC mới.
Theo Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa, thành phố đang thực hiện 22 dự án TĐC để phục vụ cho người dân có đất bị thu hồi khi triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong số này, có 5 khu TĐC đang trong quá trình thi công xây dựng.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết, nếu thúc đẩy hoàn thành sớm 22 khu TĐC, thành phố sẽ có thêm gần 6 ngàn lô đất. Với số lượng này, thành phố sẽ trả được nợ suất TĐC với người dân và góp phần tháo gỡ bớt khó khăn về công tác TĐC khi thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn.
Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ xem xét những vị trí thuận lợi, dễ kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để quy hoạch xây dựng thêm các khu TĐC mới. Thành phố Biên Hòa xác định, công tác TĐC cho người dân khi triển khai các dự án là công tác trọng tâm. Đối với các công trình, dự án trọng điểm thì TĐC cũng phải là công tác trọng điểm.
“Phải có các khu TĐC đầy đủ các tiện ích mới có thể thuyết phục người dân sớm bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án” - ông Hồ Văn Nam chia sẻ thêm.
Huyện Nhơn Trạch hiện là một trong những địa phương hiếm hoi đã “tự chủ” được quỹ đất TĐC để bố trí suất TĐC cho người dân. Theo đó, huyện đã có 9 khu TĐC đủ điều kiện bàn giao và bố trí cho người dân, 3 khu TĐC khác đã hoàn thành công tác bồi thường, tổ chức cho người dân bốc thăm TĐC.
Các khu TĐC của huyện Nhơn Trạch có 2.667 lô đất đủ điều kiện bàn giao cho người dân bị thu hồi đất. Trong số này, huyện đã bố trí 2.445 lô đất cho người dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
“Ngoài các lô đất đã được bố trí TĐC cho các hộ dân, huyện Nhơn Trạch hiện vẫn còn 222 lô đất đủ điều kiện để bố trí cho người dân khi triển khai thực hiện các dự án” - Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho biết.
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho hay, việc quy hoạch các khu đất phục vụ xây dựng các khu TĐC đã được huyện triển khai từ lâu. Đối với nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu TĐC, ngoài nguồn lực địa phương, huyện thực hiện vay vốn ưu đãi của tỉnh để triển khai xây dựng hạ tầng các khu TĐC đã được quy hoạch.
Từ kinh nghiệm của huyện Nhơn Trạch, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, để đưa công tác TĐC đi trước thu hồi đất, các địa phương cần chủ động quy hoạch trước và triển khai xây dựng sớm các khu TĐC.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin