Kết thúc 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai đã có sự chuyển biến đáng kể so với cùng kỳ năm trước, tiệm cận mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, so với kỳ vọng, nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân vẫn chưa đạt mục tiêu.
Dự án Đầu tư xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1), thành phố Biên Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: P.Tùng |
Theo kế hoạch đề ra, đến hết tháng 6-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh phải đạt 50% kế hoạch.
Giải ngân cao gần gấp đôi so với cùng kỳ
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 15,7 ngàn tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách trung ương kéo dài).
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết tháng 4, tổng số vốn đầu tư công được giải ngân trên địa bàn tỉnh gần 2 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 12% kế hoạch. Tính theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm của tỉnh đạt gần 15%.
Với tỷ lệ như trên, so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tăng gần gấp đôi và đạt mức tiệm cận với tỷ lệ giải ngân vốn bình quân chung của cả nước (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước trong 4 tháng đầu năm đạt gần 14%).
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Phan Trung Hưng Hà cho hay, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư công tại các dự án đạt cao hơn tỷ lệ đã đề ra. Tuy nhiên, do thời điểm cuối năm 2023, để nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn, một số dự án đã thực hiện ký kết hợp đồng xây lắp và tiến hành tạm ứng vốn cho nhà thầu. Giai đoạn đầu năm 2024, các dự án này có khối lượng xây lắp để giải ngân nhưng phải trừ đi phần vốn đã tạm ứng cho năm trước.
“Khối lượng xây lắp để giải ngân cao nhưng tính theo tỷ lệ đã giải ngân cho năm 2024 lại đạt thấp do phải trừ đi phần đã tạm ứng cho năm trước” - ông Hà cho biết.
Kết thúc 4 tháng đầu năm, trong số 28 đơn vị chủ đầu tư do UBND tỉnh giao kế hoạch, có 6 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi là đơn vị dẫn đầu với tỷ lệ vốn đã giải ngân đạt hơn 89%.
Đối với nguồn vốn do UBND cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch, trong 4 tháng đầu năm, có 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn mức 14%. Trong đó, huyện Nhơn Trạch là đơn vị dẫn đầu với tỷ lệ giải ngân vốn đạt khoảng 73%.
“Ngay từ đầu năm, huyện đã phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công nên thời gian qua, kết quả giải ngân nguồn vốn trên địa bàn đạt cao” - Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5-2024, tổng số vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 22% kế hoạch năm.
Vẫn cách xa mục tiêu
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2024 được tổ chức vào ngày 2-1, UBND tỉnh đã đặt mục tiêu cho các đơn vị đến hết tháng 6-2024 phải giải ngân đạt 50% kế hoạch đầu tư công của năm. Như vậy, dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ giải ngân vốn hiện nay vẫn còn cách rất xa mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra còn rất nhiều khó khăn, bởi quỹ thời gian còn lại không còn dài. Do đó, các địa phương, đơn vị chủ đầu tư cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư.
“Thủ trưởng của 28 đơn vị chủ đầu tư vốn cấp tỉnh và 11 huyện, thành phố được giao kế hoạch vốn phải phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm. Khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết liệt hơn nữa, chủ động hơn nữa trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời và hiệu quả” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn cho hay, thời gian qua, địa phương phải ưu tiên nguồn nhân lực tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Do đó, nguồn nhân lực phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công khác bị thiếu hụt. Mặt khác, công tác xác định giá đất để tính tiền đền bù, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng các dự án dù đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm nhưng đến nay mới chỉ có giá đất cho 3 công trình.
“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã cam kết giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn năm 2024 vào cuối tháng 6” - ông Sơn cho biết.
Tương tự, huyện Thống Nhất cũng sẽ ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho hay, 60% tổng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, nếu tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong công tác này thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ được nâng cao.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin