Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai duy trì tốp đầu về thương mại điện tử

Hải Quân
08:23, 07/05/2024

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam năm 2024 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước, tương đương thứ hạng năm ngoái.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã của Đồng Nai giới thiệu các kênh thanh toán số khi tham gia chương trình kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023. Ảnh: H.Quân

Chỉ số này được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, bao gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Đa dạng các kênh mua sắm trực tuyến

Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Theo Sở Công thương, kết quả từ hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương (http://online.gov.vn/) cho thấy, tính đến cuối năm 2023, Đồng Nai có 567 đơn vị đăng ký website thông báo bán hàng, 7 website thông báo ứng dụng bán hàng, 1 ngàn tài khoản thương nhân đã được Bộ Công thương duyệt, 289 cá nhân đăng ký tài khoản kinh doanh thương mại điện tử…

Thương mại điện tử đang có những bước phát triển mạnh nhưng chính sự phát triển quá nóng đã tạo ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp phòng, chống các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại, hướng tới tiêu dùng an toàn trên các kênh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Công ty CP Khoa học dữ liệu (Metric), trong năm 2023, thị trường thương mại điện tử tại Đồng Nai tăng khoảng 48,7% về doanh số và gần 35% về sản lượng. Số liệu này được lấy từ sàn thương mại điện tử Shopee do chiếm 76% doanh số toàn sàn thương mại điện tử và có số liệu thể hiện kho hàng tại tỉnh Đồng Nai.

Thị trường thương mại điện tử hiện đã trở nên sôi động hơn và người dân dễ dàng ứng dụng công nghệ số để mua hàng trực tuyến thông qua các phương tiện điện tử. Mua sắm online, đặc biệt là mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân, nhất là khu vực đô thị, thành phố lớn trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Hoàng Oanh (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, khoảng 70% đồ dùng trong nhà, từ đồ tiêu dùng đến thời trang, mỹ phẩm... đều được chị mua trên các sàn thương mại điện tử, bởi những tiện lợi mà nó mang lại.

“Các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, TikTok Shop, Lazada thường xuyên ưu đãi, khuyến mãi, miễn phí vận chuyển nên thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại di động trực tuyến làm công cụ đặt hàng nhanh chóng, tiện lợi mà không mất quá nhiều công sức di chuyển, lựa chọn” - chị Oanh cho hay.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng phát triển

Theo các chuyên gia, vị trí địa lý của Đồng Nai nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương dẫn đầu cả nước về thương mại điện tử. Điều này vừa mang lại những cơ hội, cũng như thách thức cho Đồng Nai trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Hơn thế nữa, thương mại điện tử là một trong những nơi phải cập nhật nhanh nhất để ứng phó trước thị hiếu, xu thế của thời đại. Do đó, các doanh nghiệp trên địa bàn nếu “chậm chân” trong việc phát triển thương mại điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Chia sẻ về tiềm năng của sàn thương mại điện tử, anh Lê Thanh Hiển (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho rằng, thương mại điện tử là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng. Do đó, theo anh Hiển, các doanh nghiệp, thương hiệu Việt cần xây dựng được một sàn thương mại điện tử cho riêng mình, bởi hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay đều của các “ông lớn” nước ngoài.

“Các doanh nghiệp Việt nên hợp tác, chú trọng vào giá trị của sản phẩm hàng hóa, những giá trị cốt lõi hoặc đặc trưng khiến khách hàng mua sản phẩm như: các sản phẩm địa phương, sản phẩm từ nguyên liệu Việt Nam, thân thiện môi trường... Ngoài ra, vấn đề chuỗi cung ứng, giao vận cũng phải được chú trọng hơn nữa để vừa giảm thiểu chi phí vận hành, vừa mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng” - anh Hiển nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhân sự phục vụ công tác phát triển thương mại điện tử trên địa bàn còn khá mỏng.

Ngoài ra, theo Sở Công thương, một số chỉ tiêu về thương mại điện tử chưa được đưa vào danh mục chỉ tiêu niêm yết chỉ số thống kê hàng năm. Công tác điều tra, thống kê số liệu còn gặp nhiều khó khăn do các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử chưa tích cực, kịp thời trong công tác cung cấp số liệu liên quan. Do chưa có số liệu cụ thể nên công tác lập kế hoạch, định hướng phát triển thương mại điện tử theo lĩnh vực, ngành, địa phương chưa theo sát tình hình phát triển thực tế trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu ngành công thương Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên Sàn thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai. Phối hợp với các địa phương quan tâm, tuyên truyền thêm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn, triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cần triển khai hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh để đề xuất UBND tỉnh mời gọi đơn vị thương mại điện tử lớn, có uy tín, năng lực tham gia dẫn dắt, quản trị trên Sàn thương mại điện tử của tỉnh nhằm tạo động lực, niềm tin cho các doanh nghiệp khác tham gia.

Hải Quân

Tin xem nhiều