Báo Đồng Nai điện tử
En

Chứng nhận quản lý rừng bền vững: “Visa” đưa gỗ vào Mỹ và châu Âu

Bình Nguyên
08:27, 08/05/2024

Chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm cung cấp cho người tiêu dùng lựa chọn có trách nhiệm và chỉ sử dụng sản phẩm khi biết chắc rằng nó được tạo ra không phải từ việc phá rừng. Đây được cho là chiếc “thẻ visa” của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Lễ trao chứng nhận FSC cho 3,6 ngàn hécta rừng trồng đầu tiên (thuộc huyện Xuân Lộc) của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên
Lễ trao chứng nhận FSC cho 3,6 ngàn hécta rừng trồng đầu tiên (thuộc huyện Xuân Lộc) của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai có diện tích rừng lớn, cũng là địa phương phát triển ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ thuộc tốp đầu cả nước nên doanh nghiệp (DN) gỗ trên địa bàn tỉnh rất quan tâm hỗ trợ người trồng rừng đạt chứng nhận FSC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3,6 ngàn hécta gỗ rừng trồng đạt chứng nhận FSC và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

* Mang lại nhiều giá trị

Việc cấp chứng nhận FSC mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Về phía người trồng rừng, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích. Với các DN sản xuất, xuất khẩu gỗ, nguồn nguyên liệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng là lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, chứng nhận FSC sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận với các thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ…

Tại Việt Nam, gỗ nguyên liệu có chứng nhận FSC được tiêu thụ với giá cao hơn các loại gỗ chưa chứng nhận từ 10-15%. Đối với những nhà mua hàng cao cấp trên thị trường toàn cầu, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho những mặt hàng được làm từ nguyên liệu có chứng nhận FSC. Theo đó, DN chủ động làm chứng nhận FSC sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Ông Phan Ích Trí, chủ Cơ sở đồ gỗ Linh Dương (ở thành phố Biên Hòa) cho biết, chứng nhận FSC được thị trường thế giới rất cần vì nó chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, thị trường thế giới hầu như yêu cầu 100% đều có FSC. Thị trường đồ gỗ nội địa cũng rất cần sản phẩm xanh. Vì thế, các DN, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rất mong cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ để tăng nhanh diện tích rừng được chứng nhận này.

Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long: “Hiện tại, rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phát triển được 3,6 ngàn hécta rừng được cấp chứng nhận FSC. Chúng tôi nỗ lực duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng nhận và tiếp tục tăng thêm diện tích trong thời gian tới. Vì giá trị chứng nhận này mang lại rất nhiều, không chỉ về kinh tế, mà còn có giá trị bảo vệ môi trường, xã hội...”.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 39 ngàn hécta rừng sản xuất. Đồng Nai rất quan tâm và sẽ tạo điều kiện thu hút DN xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng - khai thác - chế biến - bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Dũng, người nhận khoán trồng rừng tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) đã được cấp chứng nhận FSC, cho rằng FSC là chứng nhận quốc tế. Để có được chứng nhận này, người trồng rừng phải tuân thủ nhiều yêu cầu, thủ tục khắt khe như: bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Đặc biệt, người trồng rừng không được sử dụng chất hóa học bị cấm trong diệt cỏ, xử lý nấm bệnh trên cây rừng.

Thời gian đầu, các hộ nhận khoán rừng gặp nhiều khó khăn khi phải tuân thủ nhiều quy định, ràng buộc về quy trình sản xuất; chi phí, công sức bỏ ra nhiều hơn. Qua hơn một năm triển khai, người trồng rừng đã thấy hiệu quả cụ thể như: cây trồng tăng trưởng tốt hơn, đất rừng màu mỡ hơn. Đặc biệt, mùa khô vừa rồi, nhiều vùng rừng bị chết khô thì rừng trồng theo quy trình này có lớp mùn giữ ẩm, đất đai ít khô cằn hơn nên không bị thiệt hại vì hạn hán.

* Tính chuyện đường dài

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chứng nhận FSC vẫn còn nhiều khó khăn khiến tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico, thành phố Biên Hòa) Võ Quang Hà, Tavico là một trong những DN cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam. Sau gần 2 năm, DN này phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và các hộ dân trồng rừng nỗ lực triển khai để có hơn 3,6 ngàn hécta rừng trồng keo lai đã được cấp chứng nhận rừng bền vững FSC. Đây là diện tích rừng được liên kết khai thác và tạo nên chuỗi sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC từ rừng đến nhà máy chế biến xuất khẩu đầu tiên của Đồng Nai. Tavico tham gia thực hiện chứng nhận FSC với rất nhiều vất vả, tốn kém chi phí, sức lực. Tuy nhiên, chứng nhận này gắn với mục tiêu lâu dài là duy trì việc trồng rừng hiệu quả, khai thác nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính và giúp ngành gỗ phát triển bền vững.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi nhấn mạnh, rừng trồng ở huyện Xuân Lộc được cấp chứng nhận FSC tạo được chuỗi từ cung ứng nguyên liệu đến nhà chế biến, nhà thương mại lâm sản. Hiện nguyên liệu từ rừng sản xuất của Đồng Nai chỉ cung cấp được dưới 15% so với nhu cầu gỗ trên thực tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu đến năm 2025, phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới giảm dần nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Việc thực hiện chương trình liên kết hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu gỗ hiệu quả, bền vững là đúng hướng và phù hợp. Ngành chế biến gỗ Đồng Nai có nhiều ưu thế hơn các tỉnh, thành khác là vừa có ngành chế biến gỗ phát triển, vừa có vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích rừng trồng ở Đồng Nai không được tập trung, có nhiều loài cây, chưa có sự liên kết bền vững chuỗi sản phẩm để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích