Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 39 ngàn hécta rừng trồng, trong đó khoảng 3,6 ngàn hécta có giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC). Giấy chứng nhận này được xem như là tấm vé thông hành để sản phẩm gỗ của Đồng Nai dễ dàng vào được châu Âu, Mỹ và một số thị trường đòi hỏi cao về chất lượng.
Đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu được sản phẩm gỗ vào thị trường châu Âu buộc phải chứng minh được nguồn gốc gỗ nguyên liệu không phải từ phá rừng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí cao hơn để mua gỗ nguyên liệu từ những diện tích rừng được cấp FSC. Vì thế, về lâu dài, các chủ rừng muốn sản xuất rừng trồng bền vững thì phải thực hiện các tiêu chí để được cấp FSC.
Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam. Trong đó, hơn một nửa sản phẩm gỗ của Đồng Nai xuất qua thị trường Mỹ, châu Âu nên việc có được FSC càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn, vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chính của tỉnh. Thời gian chỉ còn khoảng 8 tháng nữa cho sản phẩm gỗ Việt Nam vào thị trường châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy mới chứng minh được nguyên liệu gỗ không phải từ phá rừng mà có. Yêu cầu này không chỉ với ngành gỗ, mà với tất cả các loại nông sản như: cà phê, điều, tiêu…
Do đó, để tăng diện tích rừng trồng đạt FSC, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo thành chuỗi sản xuất gỗ xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, các diện tích rừng trồng tại Đồng Nai cần được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Về lâu dài, những chủ rừng trồng thực hiện sớm FSC sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho ngành gỗ và doanh nghiệp sẽ yên tâm trong phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Bởi hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã cam kết sẽ giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thân thiện với môi trường. Vì vậy, sản phẩm gỗ có nguyên liệu từ rừng trồng thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn.
Bên cạnh đó, rừng trồng đạt FSC cũng là một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần làm chậm lại những biến đổi tiêu cực của thời tiết.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin