Đồng Nai đang triển khai cả ngàn dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, đa số các dự án được chuyển tiếp từ những năm trước qua. Có những dự án kéo dài từ 10-20 năm vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến cả chủ đầu tư lẫn người dân có đất trong dự án đều mệt mỏi. Người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án thì không dám đầu tư phát triển kinh tế trên thửa đất của mình, vì sợ không biết khi nào đất sẽ bị thu hồi. Còn nhà đầu tư gặp dự án kéo dài sẽ bị chôn vốn ở phần đã đầu tư, còn phần chưa đầu tư vốn bị đội lên cao. Dự án đầu tư nhiều năm chưa thể khai thác sẽ không đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính khiến các dự án kéo dài là do khâu giải quyết các thủ tục còn chậm trễ. Không ít doanh nghiệp than thở, để hoàn thành hồ sơ cho một dự án cần từ 2-4 năm. Trường hợp vướng phải quy hoạch chưa đồng bộ phải điều chỉnh hoặc dự án có lẫn đất công, đất lúa, đất rừng… thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính có thể kéo dài từ 5-6 năm. Tiếp đến là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng mất khá nhiều thời gian. Bởi tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom…, các dự án hầu hết phải lấy đất của các hộ gia đình, cá nhân. Nếu địa phương có sẵn các khu tái định cư thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn, còn chưa có tái định cư sẽ phải đợi. Do đó, ở Đồng Nai có những dự án mà công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 10-15 năm chưa hoàn thành như: Khu công nghiệp Hố Nai, Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom); Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch); Khu công nghiệp Định Quán (huyện Định Quán)…
Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần cho biết, sẽ xử lý thật nghiêm theo đúng pháp luật khi phát hiện có trường hợp cán bộ, công chức cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, tình trạng “ngâm” hồ sơ của người dân, doanh nghiệp vẫn còn. Nếu tình trạng chậm giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho các dự án còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng thời, sẽ cản đường cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Đồng Nai trong những năm tới.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế của Đồng Nai thì đến năm 2030, tỉnh trở thành địa phương xếp thứ 3 cả nước về phát triển kinh tế. Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đã quy hoạch mỗi huyện, thành phố từ 300-500 dự án lớn, nhỏ trên các lĩnh vực. Vì vậy, tỉnh đơn giản và rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục để nhiều dự án có thể khởi công xây dựng đúng kế hoạch, đưa vào khai thác, sẽ tạo điều kiện cho kinh tế địa phương “tăng tốc” phát triển.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin