Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, Đồng Nai sẽ về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao. Cụ thể, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 5 huyện hoàn thành NTM nâng cao; 25% số xã hoàn thành NTM kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu.
Tuyến đường nông thôn tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Để đạt các mục tiêu trên, các địa phương đang nỗ lực chạy đua hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng NTM. Một trong những khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.
Tiêu chí dài hơi, tốn kém
Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là đầu tư đường giao thông nông thôn luôn được các địa phương chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng giao thông cần vốn đầu tư lớn, quy trình thủ tục kéo dài... nên đây vẫn là một trong những bài toán khó của các địa phương trong xây dựng NTM. Đặc biệt, các bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước đó.
Huyện Định Quán đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023 nhưng bị chậm tiến độ. Nguyên nhân khiến Định Quán chậm so với mục tiêu đề ra do một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí về đầu tư giao thông. Cụ thể, về tiêu chí đường giao thông nông thôn do huyện đầu tư, Định Quán cần đầu tư 22 tuyến đường huyện với chiều dài 150km, nhưng đến nay địa phương mới triển khai được 9 tuyến với chiều dài 55km. Những tuyến còn lại, huyện đã có văn bản điều chỉnh giai đoạn đầu tư sang 2026-2030. Hiện địa phương vẫn đang hoàn thiện các tiêu chí còn vướng cũng như hồ sơ trình Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền người dân cần tiếp tục được đẩy mạnh. Vì chỉ khi người dân thấy rõ vai trò của họ thì mới tích cực đóng góp, là chủ thể tích cực tham gia xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn; trong thực hiện gắn camera an ninh; cùng có trách nhiệm trong bảo trì, sữa chữa đường giao thông… |
Huyện Cẩm Mỹ cũng là một trong những địa phương đặt mục tiêu về đích huyện NTM nâng cao trong năm 2024. Đầu tư đường giao thông nông thôn được địa phương tập trung nguồn lực thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 184km đường giao thông nông thôn do huyện quản lý đã nhựa hóa - bê tông hóa. Tuy nhiên, về tiêu chí đường giao thông do huyện đầu tư, huyện chỉ mới đạt 47,9%, trong khi yêu cầu phải đạt 100%.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng, huyện sẽ tiếp tục tập trung rà soát lại, những tuyến đường có khả năng đầu tư thì sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025; những tuyến không thể thực hiện ngay thì huyện sẽ chuyển vào giai đoạn sau (2026-2030).
Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) Lê Văn Hải cho biết, địa phương hạ quyết tâm rất cao trong hoàn thành các tiêu chí để đạt xã NTM nâng cao vào năm 2024. Một trong những khó khăn lớn của địa phương là về tiêu chí đường giao thông. Xã có 2 tuyến đường cần đầu tư với chiều dài hơn 2km. Các tuyến đường này có mật độ người dân ở rất thưa, đa số là các hộ dân tộc thiểu số nên điều kiện kinh tế còn khó khăn. Trong khi đó, mức đóng góp làm đường của mỗi hộ dân khá cao. Địa phương đã tích cực vận động người dân hiến đất làm đường, còn về kinh phí đầu tư thì xã mong được huyện, tỉnh hỗ trợ nhằm giảm mức đóng góp của người dân.
Ưu tiên mọi nguồn lực
Đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là đầu tư đường giao thông nông thôn là nội dung được chính quyền tỉnh và các địa phương tiếp tục tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực trong thời gian tới.
Tân Phú là huyện miền núi có địa bàn rộng, kinh tế còn khó khăn nên đầu tư về hạ tầng nông thôn nói chung, đường giao thông nông thôn nói riêng luôn là bài toán khó.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Ngọc Hưng chia sẻ, một trong những vướng mắc, khó khăn nhất của địa phương trong xây dựng NTM nâng cao là đầu tư hạ tầng giao thông. Cụ thể, trên địa bàn huyện còn 3 tuyến đường với chiều dài gần 15km chưa đạt tiêu chí tỷ lệ đường huyện đạt chuẩn. Theo quy hoạch, 3 tuyến đường này cần được đầu tư nâng cấp với nhu cầu vốn dự kiến gần 178 tỷ đồng. Ở cấp xã, trong năm 2024, có 5 xã đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao cần đạt tiêu chí về đường giao thông. Theo đó, các xã trên cần đầu tư hơn 83km các tuyến đường xã, ấp, xóm, nội đồng với nguồn vốn đầu tư lớn. Địa phương mong tỉnh có cơ chế đặc thù cho huyện, nhất là trong bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, nước sạch…
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Gọi nhận xét, việc hoàn thành mục tiêu của năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong hoàn thành mục tiêu về đích NTM nâng cao của tỉnh cả giai đoạn 2021-2025. Trung ương không cho “nợ” tiêu chí khi công nhận huyện NTM nâng cao nên các địa phương phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Riêng huyện Tân Phú có địa bàn rộng, khó khăn hơn các địa phương khác nên cần có cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, huyện cũng cần nỗ lực trong huy động nguồn xã hội hóa từ người dân, mạnh thường quân để chủ động một phần ngân sách.
Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa phương trong xây dựng NTM. Trước những kiến nghị về khó khăn trong đầu tư hạ tầng nông thôn của các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xử lý những kiến nghị của các địa phương; ban hành quy định hỗ trợ, khuyến khích để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin