Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Luật Quy hoạch đô thị năm 2018 hiện không còn phù hợp với nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Nhất là các tỉnh, thành phát triển nhanh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Nhiều quy định trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2018 không còn phù hợp với sự phát triển của các địa phương, dẫn đến quá trình triển khai gặp nhiều ách tắc, cản trở phát triển kinh tế. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất sớm sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị năm 2018 để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai phát triển các khu đô thị, khu dân cư xanh, thông minh.
Hiện nay, các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đang đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất đổi thành Luật Quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn. Bởi vì, tên gọi của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn đã sử dụng khái niệm quy hoạch nông thôn có thể gây nhầm lẫn với phần nông thôn, nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do nông thôn bao gồm khu dân cư nông thôn, điểm dân cư nông thôn nên gọi chung là khu dân cư nông thôn phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và khu vực đất sản xuất nông nghiệp, khu vực đất tự nhiên. Việc sửa đổi tên luật sẽ tránh nhầm lẫn và chồng lấn.
Trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2018 có những bất cập cần sửa đổi, bổ sung là quy hoạch khu dân cư nông thôn. Trong luật quy định 6 loại đô thị gồm: đô thị đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V, nhưng lại chưa quy định các tiêu chí để phân loại đô thị. Trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng hiện hành là rất khó khăn, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nên đã “ách tắc” thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhiều dự án…
Do đó, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn sớm được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực sẽ giúp cho việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn; xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin