Thành phố Biên Hòa có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng các tuyến đường, cửa ngõ xuyên tâm lại chưa được đầu tư mở rộng, nâng cấp nên ngày càng trở nên nhỏ hẹp.
Đường Nguyễn Ái Quốc là tuyến đường trục chính, đường cửa ngõ của đô thị Biên Hòa nhưng cũng có quy mô khá khiêm tốn. Ảnh: P.TÙNG |
Đây cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa.
“Chiếc áo chật” của một đô thị lớn
Với dân số hơn 1,3 triệu người, thành phố Biên Hòa hiện là đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước. Nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước nên thành phố Biên Hòa cũng có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Trái ngược với quy mô dân số cũng như tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông của thành phố Biên Hòa hiện chưa phát triển xứng tầm. Đặc biệt, các tuyến đường cửa ngõ, xuyên tâm đang ngày càng trở nên chật hẹp so với tốc độ phát triển đô thị.
Đường Phạm Văn Thuận là một trong những tuyến đường vừa đóng vai trò là trục giao thông xuyên tâm, vừa là trục giao thông cửa ngõ của đô thị Biên Hòa. Dù giữ vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông của đô thị Biên Hòa, nhưng hiện quy mô của đường Phạm Văn Thuận lại rất nhỏ hẹp. Chính vì vậy, tình trạng ùn tắc, kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra. “Dân số tăng lên, xe cộ nhiều nhưng hiện nay đường Phạm Văn Thuận lại quá nhỏ” - ông Nguyễn Văn Chiến, người dân sinh sống tại phường Tân Mai, chia sẻ.
Sở Giao thông vận tải trước đó đã có kiến nghị xem xét đầu tư mở rộng đường Nguyễn Ái Quốc đoạn từ ngã tư Tân Phong đến công viên 30-4 nhằm đảm bảo đồng bộ toàn tuyến cũng như đáp ứng nhu cầu giao thông khi Cảng hàng không Biên Hòa được đầu tư xây dựng để khai thác lưỡng dụng.
Không chỉ đường Phạm Văn Thuận, nhiều tuyến đường cửa ngõ, xuyên tâm của thành phố Biên Hòa cũng đang ngày càng chật hẹp hơn như: đường Nguyễn Ái Quốc, Đặng Văn Trơn, Bùi Văn Hòa, Bùi Hữu Nghĩa.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, nhiều tuyến giao thông trục chính, đường xuyên tâm và các tuyến đường cửa ngõ của thành phố Biên Hòa hiện nay đang quá nhỏ hẹp. Trong khi đó, mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này ngày càng lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. “Đây chính là một trong những điểm nghẽn khiến cho khu vực trung tâm của thành phố Biên Hòa không phát triển được. Một “cơ thể” to lớn như thành phố Biên Hòa mà “chiếc áo” hạ tầng giao thông đang quá chật hẹp thì không thể phát triển được” - ông Hồ Văn Hà cho hay.
Cần giải pháp giao thông xứng tầm
Trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã xác định các tuyến giao thông trục chính của đô thị Biên Hòa gồm có: quốc lộ 1, quốc lộ 51, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Bùi Văn Hòa, Nguyễn Du.
Cùng với đó, các tuyến đường tỉnh 771B, 777, 777B, 777C, 778, 778B, 760 (Bùi Hữu Nghĩa), Đặng Văn Trơn (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường kết nối cầu Bửu Hòa), đường kết nối phường Bửu Hòa - Hiệp Hòa (qua cầu Bửu Hòa), đường kết nối phường Thống Nhất - phường Hiệp Hòa (qua cầu Thống Nhất) là những tuyến đường chính của đô thị Biên Hòa.
Theo ông Hồ Văn Hà, mục tiêu cấp bách để tạo đột phá phát triển cho đô thị Biên Hòa hiện nay là phải tính toán để đầu tư xây dựng mới và mở rộng các tuyến đường vành đai như: đường Võ Nguyên Giáp, hương lộ 2, đường vành đai thành phố Biên Hòa và đường Bùi Hữu Nghĩa. Bên cạnh đó, phải tính toán phương án mở rộng các tuyến đường xuyên tâm là: đường Nguyễn Ái Quốc, Đặng Văn Trơn, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai.
Đồng thời, phải nghiên cứu các tuyến giao thông kết nối với các đô thị: Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và đặc biệt là thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, với quy mô của đô thị Biên Hòa phải có một giải pháp giao thông xứng tầm. “Thành phố Biên Hòa hiện chưa có một đại lộ nào” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, kết nối giao thông giữa thành phố Biên Hòa với các thành phố, các huyện xung quanh phải bằng đại lộ mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển. “Cần chuẩn bị trước giải pháp giao thông xứng tầm, kết nối hiệu quả với các đô thị, các huyện xung quanh. Các tuyến giao thông kết nối này phải là những đại lộ. Đồng thời, cũng phải tính toán các tuyến giao thông cửa ngõ, đầu ra cho đô thị Biên Hòa” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin