Báo Đồng Nai điện tử
En

Nắm bắt cơ hội khai thác các thị trường tỷ dân

Lam Phương
08:28, 26/03/2024

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp (DN) cần có sự thích nghi, nắm bắt cơ hội để tiếp cận và phát triển tại các thị trường lớn, trong đó có các thị trường tỷ dân như: Trung Quốc, Ấn Độ…

Các doanh nghiệp của Đồng Nai tham gia quảng bá, kết nối giao thương trong chuyến xúc tiến thương mại của tỉnh tại Ấn Độ năm 2023. Ảnh: V.Lĩnh

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập vào các thị trường tỷ dân nếu có thể tận dụng những lợi thế sẵn có. Cùng với đó, DN cần có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp, phát triển các công cụ, công nghệ bán hàng mới, những kênh tiếp thị, bán hàng đa kênh…

* Tìm hiểu thị hiếu thị trường

Mới đây, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức Hội thảo Bán hàng với công cụ và công nghệ mới và chinh phục các thị trường tỷ dân. Tại đây, nhiều chuyên gia đã chia sẻ thông tin, “hiến kế” để các DN trong nước có thêm kinh nghiệm, định hướng về phát triển thị phần ở các thị trường tỷ dân như: Trung Quốc, Ấn Độ…

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit (Bình Dương) Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, công ty đã có nhiều năm tiếp cận, phát triển thị phần ở thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường với hơn 1,4 tỷ dân, được đánh giá có sức mua tốt, người tiêu dùng nước này khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 170 tỷ USD. Trong đó, những ngành hàng người Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có thể cung cấp được là trái cây tươi, khô, chế biến… Dư địa tăng trưởng của những ngành hàng này được dự báo sẽ còn tăng cao. Bên cạnh đó, người Trung Quốc không thích ăn rau, đó là lý do vì sao người Trung Quốc ăn trái cây nhiều.

Theo Sở Công thương, trong năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Đồng Nai với kim ngạch đạt khoảng 2,24 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này của tỉnh ước đạt 343 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đây cũng là lý do Trung Quốc mở hàng rào cho các nước: Việt Nam, Philippines, Malaysia… để đa dạng nguồn trái cây nhập khẩu. Vì vậy, DN Việt, nhất là các DN về nông sản, trái cây cần lưu ý để có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc” - ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện nằm trong tốp 4 quốc gia ASEAN có giao thương lớn với Ấn Độ. Điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa 2 nước trong những năm gần đây. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Ấn Độ các mặt hàng: sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… Đồng thời, xuất khẩu sang Ấn Độ máy tính cá nhân, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, từng có nhiều năm làm việc với các đối tác ở thị trường Ấn Độ.

Theo bà Vân, khi tiếp cận với thị trường này, các DN cần nắm rõ mình đi vào bang nào, nông thôn hay thành thị, đối tượng khách hàng nào, bởi sự khác biệt giữa các địa phương, nhóm khách hàng rất lớn. Một điểm cần lưu ý khác khi tiếp cận thị trường Ấn Độ là sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Ngoài ra, người tiêu dùng Ấn Độ có thói quen tối ưu hóa sản phẩm và tái sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn, khi mua một chai nước, thực phẩm đóng hộp… họ quan tâm đến việc tận dụng vỏ chai, vỏ hộp để chứa đựng đồ dùng khác.

* Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại

Không chỉ dừng lại ở hoạt động xuất khẩu, các DN muốn chinh phục thị trường tỷ dân còn cần phải lưu ý sự bùng nổ mô hình cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử đa quốc gia, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Xu hướng hiện nay là shoppertainment, đây là xu hướng vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment)…

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được kết nối giữa những DN ở Đồng Nai với các thị trường tỷ dân như: Ấn Độ, Trung Quốc… Đơn cử, vào tháng 9-2023, tỉnh đã có chuyến đi xúc tiến thương mại tại Ấn Độ. Ngay sau đó, vào tháng 11-2023, đoàn DN của Ấn Độ đã sang khảo sát thực tế tại một số DN của Đồng Nai và tổ chức giao thương tại thành phố Biên Hòa.

Đối với thị trường Trung Quốc, trong năm qua, Sở Công thương đã tổ chức, hỗ trợ các DN trong tỉnh tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, sở đã tổ chức gian hàng chung cho các DN trong tỉnh tham gia hội chợ quốc tế DN nhỏ và vừa tại Trung Quốc.

Theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2024, thị trường Trung Quốc, Ấn Độ là những thị trường trọng điểm để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong năm nay.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) Lê Bạch Long cho biết, thời gian qua, công ty đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để tăng độ nhận diện thương hiệu, kết nối giao thương với các thị trường lớn, có nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, Trung Quốc…

Lam Phương

Tin xem nhiều