Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Đồng Nai cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần cho bán lẻ xăng, dầu từ ngày 1-1-2024 là khó thực hiện, do DN xăng dầu không đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện.
Các cây xăng phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần từ đầu năm 2024. Ảnh: N.Liên |
Trong khi đó, việc áp dụng HĐĐT từng lần đối với DN xăng dầu theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 ban hành năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2022. Trong tháng 11 và 12-2023, Thủ tướng Chính phủ có các công điện chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu trong tháng
12-2023.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai NGUYỄN VĂN VIỆN cho biết, từ thực tiễn trong công tác quản lý thuế cho thấy, vẫn còn tình trạng quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể, chưa lập HĐĐT sau từng lần bán, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hóa đơn thu lợi bất chính gây thất thu ngân sách nhà nước.
* DN thiếu nguồn lực
Hội nghị triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu do Cục Thuế Đồng Nai tổ chức vừa qua đã thu hút hơn 200 DN kinh doanh xăng, dầu tham gia. Nhiều DN cho biết, việc áp dụng xuất HĐĐT từng lần vào tháng 1-2024 đối với các DN rất khó thực hiện do thiếu nguồn lực về tài chính và nhân sự. Bên cạnh đó, bối cảnh chung hiện nay, nhiều DN kinh doanh xăng, dầu đang phải chịu lỗ trong kinh doanh. Từ thực tế đó, nhiều DN kiến nghị ngành thuế cho kéo dài lộ trình hoặc có giải pháp đề xuất hỗ trợ kinh phí cho DN thực hiện hóa đơn bán lẻ từng lần trong thời gian tới.
Trên địa bàn tỉnh, hiện có những cây xăng đã hoạt động từ nhiều năm nay, thiết bị bơm xăng chưa được cải tiến, việc tích hợp công nghệ đo lường, kiểm soát HĐĐT đòi hỏi phải chuyển đổi, nâng cấp và trang bị thêm các thiết bị công nghệ cao nên chi phí phát sinh khá lớn. Cùng với nâng cấp công nghệ, các cây xăng còn lo lắng vấn đề vận hành, sử dụng thiết bị, đặc biệt là những cây xăng lâu năm, ở vùng nông thôn. Một số ý kiến khác của các DN kinh doanh xăng, dầu cũng cho rằng, hệ thống quản lý xăng, dầu hiện nay đã rõ nguồn hàng vào và ra, nhiều khách hàng đổ xăng xe máy không yêu cầu xuất hóa đơn, DN không có thông tin khách hàng nên khó xuất hóa đơn, gây lãng phí cho DN.
Bà Bùi Thị Hạnh, đại diện một DN kinh doanh xăng, dầu hoạt động trên địa bàn H.Xuân Lộc cho biết, DN kinh doanh xăng, dầu thời gian qua có nhiều biến cố, hoạt động kinh doanh phải chịu lỗ thời gian dài nhưng các DN vẫn phải “gồng” để hoạt động, bảo đảm cung cấp xăng, dầu cho người dân. Việc áp dụng HĐĐT theo quy định của Chính phủ các DN đều hiểu và chấp hành, nhưng kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tình hình thực tế khó khăn của các DN hiện nay, hỗ trợ kinh phí hoặc hỗ trợ vốn vay ưu đãi để DN triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm xuất HĐĐT tích hợp trụ bơm kết nối với cơ quan thuế.
* Quy định phải chấp hành
Theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 12-2023, trong tháng 12-2023, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố phải triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng, dầu lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định.
Theo Cục Thuế Đồng Nai, hiện một số DN chưa hiểu rõ các quy định, thậm chí có những DN đang áp dụng sai một số điểm như: xuất hóa đơn từng lần phải có đủ thông tin khách hàng, có DN bán hàng hôm nay nhưng để sang hôm sau mới xuất hóa đơn.
Ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Đồng Nai) cho biết, theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, một số trường hợp HĐĐT không nhất thiết có đầy đủ các nội dung. Cụ thể, đối với HĐĐT bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Đối với những trường hợp vi phạm về hóa đơn, theo ông Trần Quảng Ninh, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi. Trường hợp vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn. Các mức xử phạt tùy theo từng mức độ vi phạm như: lập hóa đơn không đúng thời điểm, không có kết nối, chuyển dữ liệu về cơ quan thuế phạt từ 3-5 triệu đồng; không lập hóa đơn, chuyển dữ liệu chậm so với quy định sẽ bị phạt từ 2-20 triệu đồng.
Trả lời những kiến nghị của DN kinh doanh xăng, dầu, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Viện yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu nhanh chóng thực hiện các quy định về xuất HĐĐT cho từng lần bán theo quy định. Đối với những khó khăn, vướng mắc mà DN kiến nghị, Cục Thuế Đồng Nai sẽ tiếp thu, xử lý những vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền; đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền sẽ gửi các cơ quan chức năng liên quan hoặc cơ quan cấp trên xem xét giải quyết. Tuy nhiên, tất cả những vướng mắc chỉ được xem xét, tháo gỡ khi các DN đã bắt tay thực hiện trong thực tế, bởi hiện nay có những DN than khó chứ thực tế chưa từng áp dụng xuất HĐĐT từng lần tại cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin