Giấy chứng nhận cho sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau khoảng thời gian trên, các sản phẩm OCOP phải thực hiện tái chứng nhận.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) cùng các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của các địa phương tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Năm 2023, nhiều sản phẩm OCOP, nhất là OCOP 4 sao của Đồng Nai cần tái chứng nhận nhưng bị vướng trong thực hiện. Trong đó có nguyên nhân việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm OCOP 4 sao theo bộ tiêu chí giai đoạn mới đòi hỏi các điều kiện khắt khe hơn.
* Nhiều sản phẩm cần tái chứng nhận
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT về kết quả tổ chức đánh giá lại sản phẩm OCOP sau 3 năm công nhận, trong năm 2023, có 14 sản phẩm của 5 chủ thể thuộc 4 địa phương: Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán và Long Thành thực hiện tổ chức đánh giá lại sau 3 năm được công nhận đạt 3 sao và 4 sao. Kết quả, có 5 sản phẩm duy trì 3 sao và 8 sản phẩm có khả năng duy trì được 4 sao, được thực hiện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai tổ chức đánh giá công nhận lại.
Lũy kế đến nay, Đồng Nai đã có 20/46 sản phẩm đã được tổ chức đánh giá lại sau thời gian được công nhận, đạt 43,5% thực hiện đánh giá lại. Hiện có 26 sản phẩm chưa thực hiện tổ chức đánh giá lại sau thời gian hết hiệu lực công nhận sản phẩm OCOP nhưng chưa đánh giá lại do một số nguyên nhân. Cụ thể, một số sản phẩm không còn lưu thông trên thị trường do không còn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đơn vị sản xuất đã ngừng sản xuất dòng sản phẩm thị trường tiêu thụ chậm, tập trung nghiên cứu cải tiến để phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Có nguyên nhân một số chủ thể chưa quan tâm làm tái chứng nhận OCOP cho sản phẩm. Một số sản phẩm vừa hết hạn vào cuối năm 2023 nên chờ tổ chức đánh giá lại vào năm 2024. Ngoài ra, do đây là năm đầu tiên Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng… là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện.
Giám đốc Công ty CP Domilk (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) Nguyễn Thị Thanh Thanh cho biết, từ năm 2020, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đạt OCOP 4 sao. Đến nay, các sản phẩm cần tái chứng nhận. Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới, nhất là với sản phẩm 4 sao cần nâng cấp một số tiêu chí. Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp di dời xưởng sản xuất nên cần thời gian mới được cấp tái chứng nhận ISO về sản xuất; bổ sung truy xuất nguồn gốc điện tử và tiêu chí cứng về vùng nguyên liệu doanh nghiệp sẽ tổ chức đánh giá lại. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn vướng. Doanh nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu, chuẩn hóa sản phẩm và đưa tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp thành dòng sản phẩm cao cấp.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, tôn vinh những chủ thể OCOP phát triển tốt, sản phẩm có doanh số tiêu thụ cao, sản phẩm nổi bật nhất của Đồng Nai để đưa vào danh mục quà tặng đặc trưng của tỉnh, góp phần thúc đẩy, quảng bá cho sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
* Tiếp tục hỗ trợ chủ thể
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng, năm nay còn nhiều sản phẩm hết hạn OCOP cần đánh giá lại. Việc còn nhiều sản phẩm chưa được chứng nhận lại có nguyên nhân một số chủ thể trong quá trình kinh doanh quên điều kiện để được cấp chứng nhận lại. Đây là cơ sở để xác nhận tính pháp lý của sản phẩm nhưng các chủ thể lại nghĩ được cấp OCOP và lưu hành trên thị trường là đạt rồi.
Ngoài ra, có nguyên nhân các điều kiện về nhân lực phụ trách về chương trình OCOP các cấp còn hạn chế; từ tỉnh đến địa phương tuy đã có sự chủ động nhưng các thành viên vẫn chưa kịp thời. Yêu cầu đánh giá sản phẩm OCOP cũng như tái đánh giá, cấp chứng nhận theo bộ tiêu chí mới khó hơn, nhưng càng khó khăn càng đưa giá trị của sản phẩm OCOP lên tầm cao hơn và đúng thực chất của yêu cầu, nhiệm vụ, giá trị của OCOP.
Giải pháp để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới chủ yếu là tập trung cho công tác tuyên truyền để chủ thể OCOP xác định chất lượng, giá trị đặc trưng vùng miền trong đầu tư cho sản phẩm. Đồng thời, quan tâm đến công tác quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm OCOP gắn với chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để người tiêu dùng hiểu và ủng hộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, công tác hỗ trợ thực hiện tổ chức đánh giá lại sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực cho các chủ thể vẫn còn chậm, thể hiện qua con số sản phẩm được tái chứng nhận còn khá khiêm tốn. Những sản phẩm chưa đạt do hồ sơ chưa hoàn chỉnh thì các chủ thể tiếp tục hoàn chỉnh để được tái chứng nhận lại. Vấn đề này cần có sự quan tâm của địa phương và các sở, ngành để các chủ thể tiếp tục duy trì, đồng thời phát triển nâng hạng sản phẩm OCOP.
Mong muốn của tỉnh là nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, thậm chí lên 5 sao với mục tiêu phát triển thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Việc đánh giá lại rất quan trọng, các chủ thể cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Về phía Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh, thời điểm nào chủ thể hoàn thiện hồ sơ thì hội đồng có thể họp sớm để thẩm định, công nhận, chứ không phải chờ theo định kỳ, vừa hỗ trợ cho các chủ thể, vừa giúp cho các sản phẩm OCOP duy trì trên thị trường.
Những sản phẩm OCOP đã được đánh giá cần được hỗ trợ xúc tiến, quảng bá để mở rộng kênh tiêu thụ. Theo đó, Sở VH-TTDL phối hợp với Sở NN-PTNT cùng các sở, ngành và địa phương tập trung xây dựng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin