Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2024 ưu tiên tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Văn Gia
15:01, 05/01/2024

(ĐN) - Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương. Tại điểm cầu Đồng Nai có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh Báo Chính phủ)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh Báo Chính phủ)

Báo cáo về kết quả kinh tế, xã hội năm 2023, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng cả năm đạt 5,05%. Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn khoảng 146 ngàn tỷ đồng so với năm 2022.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 và 6 của năm 2023, chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bất lợi, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.

Việc tiếp cận tín dụng khó khăn, bất động sản dù được cải thiện vẫn còn trầm lắng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Các đại biểu tham gia tại điểm cầu Đồng Nai
Các đại biểu tham gia tại điểm cầu Đồng Nai

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý một số vấn đề, chính sách cần thực hiện trong việc triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa.

Phát huy động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cũng như các động lực mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, lĩnh vực mới nổi, liên kết vùng. Tái cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả, có giải pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án, doanh nghiệp lỗ…

Đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, đổi mới công tác quy hoạch. Huy động nguồn lực và đẩy nhanh các dự án hạ tầng, tạo chuyển biến có tính đột phá về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tăng năng suất lao động. Giải quyết bài toán gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển văn hóa, xã hội với kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh…

 Văn Gia

Tin xem nhiều