Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng chuỗi liên kết công nghiệp

Văn Gia
08:06, 03/01/2024

Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung. Tuy nhiên, đa phần trong số đó chưa tham gia được vào khâu cốt lõi cụm liên kết ngành, chủ yếu mới tham gia cung cấp các phụ liệu và dịch vụ hỗ trợ bên ngoài nên chưa hình thành được chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) đã cung ứng được một số sản phẩm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: V.Gia
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) đã cung ứng được một số sản phẩm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: V.Gia

Hiện tại, nhắc đến chuỗi liên kết mới chỉ có thông tin địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, công nghiệp sản xuất có giá trị rất lớn, quyết định tăng trưởng kinh tế nên phải chú trọng vấn đề này.

* Còn nhiều điểm nghẽn

Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, nhiều DN sản xuất đều mong muốn phát triển và hướng đến xuất khẩu để tạo dựng thương hiệu, nâng tầm DN. Trong những năm qua, cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng đã từng bước đưa sản phẩm, hàng hóa hội nhập sâu với thị trường quốc tế và tìm cách để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Một số DN đầu ngành và cả những DN tầm trung đã xây dựng quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dù đã tăng mạnh nhưng số lượng DN ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đủ; còn thiếu DN hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như: khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Việt Nam chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh nên khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Do vậy, phần lớn đơn hàng bị trễ hạn so với thời hạn đã cam kết với đối tác.

Cùng với đó, các DN bị động trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng do thiếu thông tin về những yêu cầu mới tại các thị trường xuất khẩu. Nhiều DN ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn phụ thuộc lớn vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1) Phan Văn Tứ cho hay, để thâm nhập vào các DN sản xuất lớn, DN FDI ở địa phương là điều không dễ dàng. Đối với các nước có vốn đầu tư lớn ở địa phương, thời gian qua họ đều có những DN trong chuỗi sản xuất của mình. Do đó, các DN Việt rất khó chen chân nếu không có sự kết nối và đạt các tiêu chuẩn khắt khe mà đối tác đưa ra.

* DN mong muốn được hỗ trợ

Ðể các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng sản xuất, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong đó, cần quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các DN trong nước với chi phí, chính sách hợp lý. Ngoài ra, Nhà nước nên có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước để các DN yên tâm đầu tư phát triển và giảm phụ thuộc vào DN FDI.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa, đơn vị chuyên sản xuất các loại máy cấp phối cho DN sản xuất) Ngô Thanh Bình, sản phẩm của công ty được đánh giá cao trên thị trường nhưng công ty vẫn còn gặp rào cản trong quá trình mở rộng sản xuất. Đơn cử là mặt bằng sản xuất, nếu thuê trong khu công nghiệp chi phí rất cao, ít DN đủ khả năng.

Thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực kết nối thị trường cho DN, đặc biệt là kết nối với các tập đoàn, đối tác FDI tại địa phương thông qua hội nghị giao thương với các hiệp hội DN FDI. Trong đó, nổi bật là những phần việc mà Tổ điều phối viên công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã thực hiện. Thông qua các điều phối viên tỉnh Đồng Nai, METI - Kansai nỗ lực để tạo ra một nơi kết nối tin cậy cho các DN Nhật Bản với các DN và các trường đại học địa phương. Ngoài ra, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cũng hỗ trợ tích cực cho tổ để triển khai khảo sát nắm bắt nhu cầu của DN Nhật Bản và tham gia tổ chức các hội nghị.

Thông qua các chương trình này, một số DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho DN Nhật Bản như: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Numatec Việt Nam (Khu công nghiệp An Phước, H.Long Thành) và đang có nhiều DN đang thương thảo ký hợp đồng như: Công ty Giải pháp Bao Bì Xanh (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành)…

Văn Gia

 

Tin xem nhiều