Ngành công nghiệp điện tử nói chung và lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng được xem là một trong những nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)…
Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết giữa Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về thành lập trung tâm vi mạch bán dẫn, phát triển các chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Ảnh: H.Quân |
Đây là ngành được đánh giá có quy mô kinh tế hàng tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu. Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tạo tiền đề thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn.
* Phát triển đào tạo nguồn nhân lực
Trong làn sóng phát triển như vũ bão của KH-CN thì công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng và là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này.
Theo các chuyên gia, Đồng Nai có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN) về công nghệ đang hoạt động, quy mô nguồn nhân lực lớn…
Đặc biệt, khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác trong tương lai, địa phương sẽ không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD và đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch bán dẫn tăng vọt trong thời gian gần đây.
Mới đây, Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu (TP.HCM) và Trường đại học Lạc Hồng đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác (Mou) thành lập trung tâm vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai.
Theo Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, với tầm nhìn cùng cam kết chung về sự phát triển bền vững cho ngành vi mạch bán dẫn, việc ký kết này chính thức đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Sun Edu và Trường đại học Lạc Hồng. Hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn kỹ năng thực hành cho sinh viên, từ đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình đào tạo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Trường đã đẩy mạnh hợp tác liên kết với nhiều đơn vị, DN trong lĩnh vực này để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đưa sinh viên vào thực tập, thực hành tại các DN… Việc hợp tác với Sun Edu là một phần quan trọng trong việc đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong lĩnh vực này.
Đoàn công tác của tỉnh do Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường dẫn đầu cùng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai tham quan Trung tâm vi mạch bán dẫn ESC (Khu Công nghệ cao TP.HCM) |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, để hiện thực hóa thành công chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thì yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực. Việc hợp tác, phối hợp giữa Trường đại học Lạc Hồng và Công ty Sun Edu để xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn góp phần định hướng phát triển các mô hình đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Trong đó, bắt đầu bằng việc tổ chức, xây dựng và đào tạo lại đội ngũ giảng dạy bảo đảm cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu sát với thực tiễn doanh nghiệp và thị trường, vừa phải có nền tảng và linh hoạt điều chỉnh để sẵn sàng thích ứng với sự biến đổi ngành nghề một cách nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong lĩnh vực công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.
* Chú trọng tính liên kết vùng
Để tận dụng các tiềm năng, lợi thế phát triển của lĩnh vực vi mạnh bán dẫn, các vấn đề cơ sở hạ tầng, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, phát triển các dự án “ươm tạo” trong lĩnh vực này là một vấn đề quan trọng.
Theo Giám đốc Sở TT-TT TẠ QUANG TRƯỜNG, trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đoàn tham quan, khảo sát tại Trung tâm Vi mạch bán dẫn ESC (Khu Công nghệ cao TP.HCM). Đây là hoạt động giúp đại diện các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng trong tỉnh tìm hiểu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, nhất là những cơ hội, tiềm năng phát triển lĩnh vực này trong vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin phía Nam. |
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Nguyễn Anh Thi chia sẻ, với các tiềm năng phát triển về công nghệ cao nói chung và lĩnh vực vi mạnh bán dẫn nói riêng, vùng Đông Nam bộ cần hướng tới phát triển thành một không gian kinh tế thống nhất, dựa trên chiến lược chuyên môn hóa thông minh với vai trò dẫn dắt bởi TP.HCM. Đồng thời, liên kết phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, công nghệ cao là trung tâm của phát triển vùng Đông Nam bộ.
Các địa phương của vùng, trong đó có Đồng Nai, cần lưu ý đến các vấn đề về thể chế, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, phát triển năng lực công nghệ, nhất là nguồn nhân lực để tận dụng các cơ hội, lợi thế phát triển trong các ngành công nghệ nền tảng, công nghệ cao…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết thêm, để phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, Đồng Nai đã và đang tích cực tập trung phát triển hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội, tập trung thu hút, chuyển giao KH-CN, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh song song với thu hút đầu tư…
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin