Trạm cấp nước tại xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) được đưa vào sử dụng vào năm 2016, nâng cấp năm 2020, nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Người dân dù phải mua nước đóng bình vẫn không dùng nước từ trạm cấp nước trên địa bàn vì cho rằng nước không sạch.
Công trình Trạm cấp nước tại xã Đồi 61, H.Trảng Bom do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh quản lý. Ảnh: H.Lộc |
Tỉnh đầu tư trạm cấp nước sạch nông thôn là để giúp các vùng có nước ngầm khan hiếm hoặc chất lượng không đảm bảo, đầu tư hạ tầng nước máy khó khăn. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả thì cần phải đảm bảo chất lượng.
9 Nước sạch có rêu, cặn, đá vôi
Nước có rêu, cặn, chỉ dùng để tưới cây, giặt đồ là chia sẻ của chị Lê Thị Trúc (ngụ ấp Tân Thịnh) về nguồn nước sạch nông thôn từ trạm cấp nước. Theo chị Trúc, tình trạng này chị đã phản ánh đến trạm cấp nước và cán bộ xã nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
“Nhà tôi phải dùng 3 loại nước. Ăn uống thì mua nước đóng bình; tắm, rửa rau, rửa chén thì dùng nước giếng khoan; nước cấp chỉ dùng tưới cây, giặt quần áo. Tôi mong có nguồn nước cấp chất lượng tốt để không phải dùng nhiều nguồn nước như hiện tại” - chị Trúc chia sẻ.
Còn ông Bùi Xuân Kiên (ngụ ấp Tân Thịnh) thì cho rằng, nhiều hôm mở vòi nước mùi Clo nồng nặc, mặc dù để lâu mới tắm nhưng gia đình ông vẫn có người bị dị ứng, ngứa.
“Người ta bỏ tiền mua nước sạch, còn chúng tôi bỏ tiền mua nước không sạch. Hôm thì rêu, hôm thì nước đục, có khi mùi Clo nặng quá” - ông Kiên phản ánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Đồi 61, nhiều hộ gia đình có đường nước sạch ngang qua nhà, thậm chí lắp đồng hồ nước sạch nhưng không sử dụng nước của trạm cấp nước. Thay vào đó, họ dùng nước giếng khoan, thiết bị lọc hộ gia đình, đi mua nước bình sử dụng. Nguyên nhân theo người dân là nước cấp chưa sạch, chất lượng không ổn định.
Phó chủ tịch UBND xã Đồi 61 Hà Thị Thái cho biết, nước ngầm khu vực này chất lượng không tốt do có phèn và độ cứng cao (đá vôi). Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2016, công trình trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn được đưa vào sử dụng. Thời điểm đó, người dân rất phấn khởi, đăng ký lắp đồng hồ để dùng nước sạch. Được thời gian đầu chất lượng nước ổn định, sau đó người dân phản ánh nước đục, có rêu, ấm đun nước lâu ngày có vôi trắng đóng ở đáy. Xã đi kiểm tra ghi nhận thực tế và kiến nghị đơn vị quản lý vận hành công trình có biện pháp khắc phục. Năm 2020, đơn vị đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống lọc; định kỳ kiểm tra kết quả phân tích nước gửi về xã niêm yết công khai nhưng từ đó đến nay số hộ đăng ký dùng nước sạch tăng ít.
Thống kê của xã Đồi 61, hiện ở 2 ấp Tân Hưng và Tân Thịnh có hơn 330 hộ đăng ký sử dụng nước từ trạm cấp nước sạch nông thôn. Công suất sử dụng khoảng 3 ngàn m3/tháng. Mục đích sử dụng chủ yếu để tưới cây và tắm giặt, còn nước ăn uống thì người dân mua hoặc dùng nước giếng khoan.
* Cần nguồn nước an toàn, chất lượng ổn định
Việc đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn nhưng hiệu quả hoạt động thấp dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch không cải thiện.
Trạm cấp nước tại xã Đồi 61 có kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Công trình có công suất thiết kế 640m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho khoảng 5 ngàn người dân, nhưng hiện chỉ có hơn 330 hộ sử dụng, công suất khoảng 100m3/ngày. |
Phó chủ tịch UBND xã Đồi 61 Hà Thị Thái cho rằng, do người dân đã mất niềm tin sau các lần vặn vòi nước bị đục, có rêu nên sau này tuyên truyền, niêm yết kết quả kiểm tra chất lượng người dân vẫn không đăng ký gắn đồng hồ nước. Bên cạnh đó, giá nước sạch nông thôn cao hơn giá nước sạch đô thị (nước máy), mà chất lượng không ổn định nên người dân chấp nhận mua nước đóng bình sử dụng.
Lãnh đạo UBND xã Đồi 61 còn cho biết, hiện người dân không còn phản ánh chất lượng nước nhưng cũng không đăng ký lắp đặt đồng hồ nước. Thay vào đó, họ mua nước từ nơi khác để dùng ăn uống. Xã còn 2 ấp chưa có hạ tầng nước sạch, xã đã kiến nghị huyện làm việc với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đấu nối mở rộng mạng lưới nước máy về các ấp cho người dân sử dụng.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở NN-PTNT) Trần Ngọc Ánh, khu vực Đồi 61 nước ngầm có độ cứng cao, mặc dù đã xử lý đạt quy chuẩn nước sạch nông thôn nhưng khi đun nấu vẫn có đóng váng, người dân nghĩ nước chưa sạch. Thêm vào đó, một số điểm trên địa bàn bán nước sạch uống trực tiếp (đạt quy chuẩn 01 của Bộ Y tế), còn nước này chỉ ở mức nước sạch sinh hoạt (đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế) phải đun sôi trước khi uống.
Việc đầu tư mạng lưới cấp nước sạch nhưng ít người sử dụng là điều đáng buồn. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại cách thức quản lý, vận hành, phục vụ người dân. Để phát huy hiệu quả công trình, cần đảm bảo chất lượng nước bằng cách thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị, đường ống để phát hiện hư hỏng và sửa chữa. Chính quyền tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước cấp. Sớm thực hiện trám lấp giếng khoan, giếng đào ở khu vực có nguồn nước cấp để bảo vệ nguồn nước dưới đất.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin