Ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động quản lý và tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu, yêu cầu đặt ra đối với các HTX trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những đơn vị mạnh dạn áp dụng CĐS đã từng bước khẳng định thương hiệu, đưa hàng hóa, dịch vụ của mình cung ứng cho thị trường trong nước, quốc tế.
Mô hình máy bay không người lái hiện đã được nhiều HTX trên địa bàn Đồng Nai ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đ.Lê |
Mặc dù đã có một số kết quả bước đầu song lộ trình CĐS trong khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là nhận thức, năng lực điều hành từ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các HTX còn hạn chế, cần có thêm các chương trình tập huấn, đào tạo từ Nhà nước.
* CĐS mới chỉ bước đầu
Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút, khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào mô hình sản xuất của mình; trong đó có một số HTX đã đạt được những kết quả tích cực. Tiêu biểu cho mô hình điểm trong lĩnh vực chăn nuôi có HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) tiên phong trong cả nước đầu tư công nghệ cao nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) không chỉ xuất khẩu tốt mặt hàng chuối tươi đi thị trường Hàn Quốc, mà còn đầu tư chế biến sâu. Trong lĩnh vực vận tải có HTX Thương mại dịch vụ vận tải Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) đã xây dựng được phần mềm quản lý vận tải của riêng mình. Từ hiệu quả của việc ứng dụng tại đơn vị, phần mềm quản lý vận tải đã được phổ biến, mở rộng triển khai tại các đơn vị vận tải khác trong và ngoài tỉnh.
Khảo sát mức độ sẵn sàng CĐS của HTX Liên minh HTX Đồng Nai vừa triển khai Bộ chỉ số khảo sát mức độ sẵn sàng CĐS dành cho HTX, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bộ chỉ số này cung cấp công cụ đo lường, xác định và theo dõi mức độ CĐS của các HTX, quỹ tín dụng nhân dân, giúp các đơn vị tiếp cận CĐS theo các tiêu chí định tính làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và lộ trình CĐS phù hợp. Bên cạnh đó, giúp cơ quản quản lý nhà nước tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về CĐS khu vực kinh tế tập thể nhằm đưa ra những chương trình hỗ trợ phù hợp. |
Nhìn một cách toàn diện, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc CĐS trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ là rào cản hiện nay đối với các HTX truyền thống. Trong khi đối với các đơn vị đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và đơn vị mới thành lập hoặc do những người trẻ điều hành thì thuận lợi hơn. Nhiều HTX mong muốn và hiểu được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, CĐS vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng không phải họ muốn là có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp nào dành cho các HTX trong quá trình CĐS. Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến công cuộc CĐS trong khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng nhận định, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn một số hạn chế, tồn tại; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, CĐS để thích nghi với tình hình phát triển mới trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX là yêu cầu cấp thiết.
* Phát huy vai trò của người đứng đầu HTX
Xác định được tầm quan trọng của CĐS, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 18-8-2022 về việc triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025...
Ở cấp độ quốc gia, tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh CĐS trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Những văn bản chỉ đạo trên đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, địa phương đối với việc CĐS, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Cần cơ chế đặc thù cho HTX về CĐS Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh CĐS trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX thì Bộ KH-ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX CĐS. Trong đó, lưu ý có các cơ chế đặc thù cho HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. |
Trong khi đó, đối với các HTX, hạn chế lớn là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ quản lý còn số hóa hoặc công nghệ thông tin chưa cao. Một số ít các đơn vị có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện CĐS.
Là đơn vị đã hoạt động được hơn 40 năm, HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) đã chuyển đổi mô hình hoạt động nhiều lần. Hiện nay, mong muốn của những thế hệ “gạo cội” của HTX là làm sao duy trì được truyền thống phát triển dựa trên những kinh nghiệm mới. Là giám đốc đơn vị hàng chục năm qua, ông Nguyễn Xuân Thiện kỳ vọng các thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ luôn được học hỏi, đổi mới để tiếp tục khẳng định thương hiệu, uy tín của HTX đã gầy dựng.
Tương tự, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom) Trịnh Đình Dũng chia sẻ, là đơn vị làm dịch vụ nên việc CĐS đối với HTX rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay tại HTX vẫn còn nhiều lúng túng, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Ông Trịnh Đình Dũng mong muốn Nhà nước, Liên minh HTX Đồng Nai và các đơn vị thường xuyên thực hiện các chương trình tập huấn, đào tạo, chuyên giao công nghệ… Từ đó nâng cao nhận thức của những người đứng đầu HTX, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào mô hình của mình.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ, trong thời gian tới, liên minh tiếp tục đồng hành với các HTX trong quá trình quản lý, điều hành, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thực hiện chuyển đổi phù hợp thực tiễn. Hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành HTX cho các lãnh đạo, từ đó phát huy nội lực để CĐS, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thị trường.
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin