Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều doanh nghiệp chưa giảm tiêu hao năng lượng

Ban Mai
09:00, 14/12/2023

Sản xuất nhựa là một trong 7 nhóm ngành phải thực hiện giảm tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu giảm tiêu hao năng lượng do vướng về cơ chế, chính sách. Việc chậm giảm tiêu hao năng lượng sẽ khiến giá thành sản xuất tăng, giảm lợi thế cạnh tranh.

Sản xuất nhựa tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: B.Mai

Các DN mong muốn có tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định mức giảm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc cho phát triển năng lượng thay thế.

* Mới 33% doanh nghiệp đạt

Sản xuất nhựa là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh cho DN, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách. Đáng chú ý là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ với mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng từ 18-22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21-24% giai đoạn đến năm 2030.

Tại Đồng Nai, năm 2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn năm 2021-2025 với mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 5,9% tổng năng lượng tiêu thụ toàn ngành. Hàng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ đặt mục tiêu với ngành nhựa là đến năm 2025 tiết kiệm năng lượng đạt 5-7%; đến năm 2030 tiết kiệm năng lượng 8-10%.

Phó trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng, Sở Công thương Nguyễn Thị Lan chia sẻ, nhựa là một trong những ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng. Do đó, năm 2023, Sở quyết định chọn đây là nhóm ngành đầu tiên thực hiện dự án khảo sát về tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp giúp DN cải thiện định mức tiêu thụ năng lượng.

TS Hà Anh Tùng, giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Trưởng nhóm dự án Hỗ trợ cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng cho DN trong ngành sản xuất nhựa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, nhóm đã tiến hành khảo sát sơ bộ, đánh giá hiện trạng tình hình tiêu thụ năng lượng tại 25 DN nhựa. Kết quả khảo sát cho thấy, điện là năng lượng chính được sử dụng trong sản xuất; bên cạnh đó có tỷ lệ nhỏ năng lượng từ dầu DO, khí, than, trấu. Có 33% DN khảo sát đạt định mức tiêu hao năng lượng, 76% DN chưa đạt.

“Hầu hết cơ sở sản xuất nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ, thiết bị chưa tối ưu, chưa tách riêng năng lượng sản xuất nên hiệu suất tiêu hao năng lượng còn cao” - ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, bên cạnh giải pháp đầu tư công nghệ, thiết bị, DN cũng có thể giảm tiêu hao năng lượng mà không cần tốn nhiều chi phí như: sử dụng ánh sáng tự nhiên; tăng cường vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy nén khí, hệ thống lạnh và tháp giải nhiệt.

* Cần tiêu chí đánh giá, thẩm định cụ thể

Nhóm thực hiện dự án cũng đưa ra các giải pháp chung mà DN sản xuất nhựa có thể áp dụng là: sử dụng công nghệ ít tiêu tốn năng lượng cho máy ép, máy thổi, máy đùn; thu hồi khí nén áp suất cao, bọc bảo ôn để giảm lượng nhiệt; lắp cảm biến hoặc biến tần để điều chỉnh nhiệt độ tự động.

Công ty TNHH Mainetti (Khu công nghiệp (KCN) Long Thành, H.Long Thành) là một trong 33% DN đạt hiệu suất giảm tiêu hao năng lượng ngành nhựa. Ông Nguyễn Khắc Điền, Giám đốc công ty chia sẻ, DN đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp quản lý năng lượng khác nhau, có nhóm không tốn phí, nhóm tốn phí ít và nhóm tốn phí nhiều.

Nhóm giải pháp không tốn phí là thực hiện kiểm tra rò rỉ hơi hàng ngày, bảo trì các thiết bị thường xuyên, theo dõi và phân tích điện năng tiêu thụ. Nhóm giải pháp ít tốn phí là có thể chuyển sang dùng đèn led tiết kiệm năng lượng, dùng động cơ quạt truyền động trực tiếp. Nhóm phải pháp chi phí cao là chuyển đổi máy gia nhiệt bằng điện sang công nghệ gia nhiệt hồng ngoại, thay thế máy nén khí cũ sang máy nén khí hiệu suất cao tích hợp biến tần. Đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà xưởng.

“Các giải pháp này giúp công ty tiết kiệm khoảng 240 triệu đồng/năm, giảm được khoảng 107 tấn CO2/năm. Theo đó, công ty đạt mức giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm điện theo yêu cầu của Chính phủ và đối tác” - ông Điền chia sẻ.

Năm 2022, Công ty CP Visual Plastic (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) tiết kiệm được 12% năng lượng so với bình quân các năm trước. Ông Nguyễn Đình Quy, Phó giám đốc kỹ thuật công ty cho hay, để giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiền điện, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó có bọc các đường ống tránh thất thoát nhiệt, thay thế motor công suất lớn bằng motor công suất vừa đủ, theo dõi chỉ số điện hàng giờ nhằm kịp thời phát hiện bất thường và khắc phục.

Giảm tiêu hao năng lượng có thể đem lại lợi ích đáng kể cho DN thông qua giảm chi phí sản xuất và giảm phát thải CO2. Đây cũng là giải pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chưa nhiều DN đáp ứng yêu cầu này do năng lực và nguồn nhân lực còn yếu và thiếu hụt, chưa quan tâm giảm tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, chưa có các chế tài xử lý DN chưa đạt định mức; chưa có tiêu chí đánh giá, thẩm định mức tiêu hao năng lượng; chưa có hướng dẫn thủ tục đầu tư năng lượng mặt trời.

Ban Mai

Tin xem nhiều