Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp ngành nhựa hướng đến phát triển bền vững

Văn Gia
08:04, 08/12/2023

Là ngành sản xuất bổ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp khác, ngành nhựa đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam. Nhiều sản phẩm ngành nhựa đã đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường quốc tế và xuất khẩu ra các nước.

Tại Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Trung Phạm (H.Long Thành), tái chế sản phẩm là một trong những vấn đề ưu tiên. Ảnh: V.Gia
Tại Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Trung Phạm (H.Long Thành), tái chế sản phẩm là một trong những vấn đề ưu tiên. Ảnh: V.Gia

Song song với triển vọng phát triển thì tăng trưởng xanh là xu hướng bắt buộc đối với mọi ngành nghề sản xuất, trong đó có ngành nhựa. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành nhựa đang nỗ lực để bắt kịp với xu hướng này.

* Ngành sản xuất quan trọng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện ngành nhựa có gần 4 ngàn DN trên cả nước, trong đó 90% là DN nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa luôn đạt mức 2 con số, từ 12-15%/năm.

Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các DN Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%. Sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm nhựa Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá cao về mức độ cải tiến và nâng cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Hàng loạt công ty nhựa trong nước đã quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật vào từng công đoạn sản xuất để tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và quốc tế.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Rạng Đông Holding (TP.HCM) nhận định, sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, bởi nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như: đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên. Các sản phẩm từ nhựa được sử dụng ngày càng phổ biến; đặc biệt, trong một số lĩnh vực, nhựa còn trở thành một nguyên liệu thay thế cho các nguyên liệu truyền thống trong xây dựng, điện - điện tử. Nhiều DN nhựa nội địa đã, đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các công ty nước ngoài để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

* Hướng đến tăng trưởng xanh

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam đang có sự chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường như: nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng. Ngoài ra, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ mới về nhựa nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các DN sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế là xu hướng đối với ngành nhựa. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trong việc giảm phát thải carbon đối với ngành nhựa chính là số lượng DN có quy mô vừa nhỏ chiếm đến 90%.

Công ty CP DNP Holding (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) sở hữu nhiều thương hiệu như: Nhựa Đồng Nai, Nhựa Tân Phú với 2 lĩnh vực trong ngành nhựa là nhựa gia dụng và nhựa cho các công trình xây dựng. Nhiều năm qua, công ty đã nỗ lực cải tiến không ngừng về công nghệ, đầu tư dây chuyền nhập khẩu từ các nước G7. Nhựa Đồng Nai đã đạt được “Chứng nhận đạt chuẩn Nhãn xanh - Green Mark” ở Việt Nam trong lĩnh vực ống nhựa và phụ kiện.

Hiện nay, công ty đang hướng tới xây dựng một hệ sinh thái vật liệu xanh cho công trình trong việc tiết kiệm năng lượng, giúp các chủ đầu tư thành công hơn trong việc tạo ra sự khác biệt của dự án.

Dù là DN ở quy mô nhỏ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Trung Phạm (H.Long Thành, chuyên gia công và cung cấp pallet nhựa) Phạm Quang Trung cũng cho rằng, vấn đề tái chế sản phẩm là sự quan tâm của DN. Hiện nay, ngoài việc cung ứng đơn hàng mới, công ty còn cho thuê sản phẩm đã qua sử dụng và thu mua nhựa phế liệu, sản phẩm cũ để tái chế, tái tạo vòng đời sản phẩm nhằm bảo vệ môi trường.

“Ngày càng có nhiều quốc gia, đối tác đặt tiêu chí phát triển an toàn và bền vững lên hàng đầu, tiêu chí sản xuất xanh nên ngành hàng pallet nhựa được ưu tiên sử dụng nhiều hơn so với pallet gỗ đang khan hiếm nguyên liệu. Chúng tôi có đội ngũ thu mua các sản phẩm nhựa phế liệu về để sản xuất pallet nhựa phục vụ khách hàng nên nhiều đối tác đánh giá cao vấn đề này” - ông Trung chia sẻ.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều