(ĐN) - Ngày 7-11, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tháng 10 và 10 tháng năm 2023.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Tùng |
Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Tấn Đức, Ủy viên Ban TVTU, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tất Độ, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
* Nhanh chóng lấp các lỗ hổng, không để phát sinh lỗ hổng mới
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng đạt thấp.
Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 4,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022.
“Mức tăng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 10 tháng qua là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm qua” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xem đã phù hợp với huyện, thành phố mình chưa, nội dung nào chưa được đưa vào quy hoạch, nội dung nào mà khi quy hoạch được thông qua nó sẽ cản trở sự phát triển của huyện, thành phố để điều chỉnh, bổ sung. Bởi, quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện, quy hoạch phân khu phải đồng bộ, không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 17,8 tỷ USD giảm 14,4% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 13 tỷ USD, giảm 18,8% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 10, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 45,7 ngàn tỷ đồng, đạt 74% dự toán, bằng 80% cùng kỳ năm 2022. Công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… mặc dù được tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng tiến độ vẫn chậm. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện trên nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cũng theo ông Nguyên, đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 31-10, tỉnh mới chỉ giải ngân gần 34% kế hoạch.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Tùng |
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng còn đạt thấp. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, các sở, ngành và các chủ đầu tư phải gửi văn bản cam kết về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đến hết năm 2023.
“Mục tiêu của tỉnh đặt ra cho các đơn vị là phải giải ngân đạt từ 80-95% nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Ghi nhận những nỗ lực của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong 10 tháng qua, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh cũng bày tỏ trăn trở trước những kết quả đã thực hiện.
“Cùng điều kiện giống nhau, chính sách pháp luật giống nhau nhưng tại sao các tỉnh như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu lại phát triển nhanh hơn Đồng Nai” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Tùng |
Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, có cùng quy mô vốn đầu tư công như nhau nhưng tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu lại cao hơn Đồng Nai. Công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng làm tốt hơn Đồng Nai.
“Có phải do phương pháp điều hành và khả năng hành động của chúng ta yếu hơn các tỉnh?” - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nêu câu hỏi.
Cũng từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phải xốc lại đội ngũ, phương pháp làm việc để đạt hiệu quả cao nhất.
“Chúng ta phải tiếp tục tìm những lỗ hổng trong quá trình lãnh đạo để lấp lại và không để xuất hiện thêm lỗ hổng nữa. Chỗ nào chậm, chỗ nào làm chưa tốt thì phải khắc phục một cách nhanh nhất” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu.
* Tính đường dài đối với nguồn thu nội địa
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng, trong 10 tháng năm 2023, nguồn thu nội địa của Đồng Nai đạt khoảng 27,5 ngàn tỷ đồng.
So với tỉnh Bình Dương, nguồn thu nội địa của tỉnh thấp hơn khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, so với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì thấp hơn khoảng 5 ngàn tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án tỷ USD đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Tùng |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, khoảng cách giữa Đồng Nai với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là khá xa. Tuy nhiên, trong thu nội địa phải tính đường xa, tính trước cho 5, 10 năm tới. Muốn làm được điều này, Đồng Nai phải chuẩn bị được nền móng vững chắc cho nền kinh tế. Phải thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI, đầu tư xã hội với những dự án quy mô lớn.
“Phải tìm những dự án vài tỷ USD vào tỉnh chúng ta thì mới tạo sự bứt phá cho nền kinh tế. Chúng ta phải săn đón những nhà đầu tư với các dự án có quy mô vài tỷ USD” - Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lý do vì sao chi ngân sách địa phương trong 10 tháng qua còn đạt thấp. Chi ngân sách địa phương là chủ yếu lo cho xã hội, lo cho dân mà đạt thấp thì đồng nghĩa với việc những mục tiêu về phát triển xã hội sẽ không đạt được.
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin