Huyện Trảng Bom có diện tích chuối lớn nhất tỉnh, cũng là địa phương có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu nhiều nhất. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra, giá cả, uy tín sản phẩm xuất khẩu.
Một vườn chuối bị tạm dừng mã vùng trồng tại xã Thanh Bình. Ảnh: H.LỘC |
Các chủ thể đang nỗ lực khôi phục bằng cách kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, đóng gói; làm hồ sơ xin mở lại, cấp mới mã số.
* Nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu
Với hơn 6 ngàn ha, H.Trảng Bom có diện tích chuối lớn nhất tỉnh. Chuối ở đây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo yêu cầu của đối tác, các cơ quan quản lý nhà nước đã hỗ trợ chủ thể là cá nhân, HTX, doanh nghiệp xây dựng được 22 mã số vùng trồng và 32 mã số cơ sở đóng gói. Tháng 9-2023, nhiều mã số vùng trồng bị tạm dừng do vi phạm kiểm dịch thực vật, bị phía Trung Quốc khuyến cáo do vi phạm kiểm dịch thực vật.
Ông Vũ Văn Toàn, hộ kinh doanh tại xã Thanh Bình cho biết, cơ sở của ông đang bị tạm dừng 2 mã số vùng trồng và 1 mã số đóng gói. Việc này khiến hơn 60ha chuối chuẩn bị thu hoạch có nguy cơ không xuất khẩu được. Cơ sở lẫn nhà vườn đều thiệt hại.
“Những vườn đến kỳ thu hoạch, chúng tôi phải nhờ bà con bán nội địa, trong khi cơ sở không có chuối để xuất khẩu. Chúng tôi đang khắc phục để cơ quan chức năng đến kiểm tra, mở lại mã số càng sớm càng tốt, vì chuối đã vào vụ thu hoạch” - ông Toàn nói.
Công ty TNHH Real Farm tại xã Thanh Bình cũng bị tạm dừng 1 mã số vùng trồng và đóng gói. Việc tạm dừng này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ cũng như giá bán chuối.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc công ty cho biết ông khá lo lắng vì chuối chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Công ty đang nỗ lực để được mở lại mã số bằng cách truyền đạt cho nông dân chăm sóc theo quy trình, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng. Đầu tư xây mới bể rửa chuối, hệ thống ròng rọc vận chuyển chuối từ vườn đến bể.
“Mỗi mã số vùng trồng gồm nhiều nhà vườn khác nhau. Có hộ chăm sóc kỹ, có hộ chưa làm đúng quy trình dẫn đến sản phẩm có rệp sáp. Đây là bài học đắt giá cho chúng tôi trong kiểm soát sản xuất, đóng gói về sau” - ông Hòa nói.
Hiện tại, vùng trồng chuối lớn nhất tỉnh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, nhiều chủ thể chưa được mở lại mã số vùng trồng, đóng gói. Không chỉ đầu ra, giá cả bị ảnh hưởng, mà lớn hơn là mất uy tín sản phẩm xuất khẩu.
Bà Sàn Thị Thúy, cán bộ trồng trọt Phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho biết, huyện có 8 mã số vùng trồng và 12 mã số đóng gói bị tạm dừng do quá trình kiểm tra lô hàng xuất khẩu có rệp sáp. Các mã số bị thu hồi tuân thủ nghiêm quy định, ngưng xuất khẩu cho đến khi được mở lại mã số. Hiện giá chuối trong khoảng 7-9 ngàn đồng/kg, thấp hơn trước, nhưng ở mức chấp nhận được.
* Chất lượng, uy tín là yếu tố then chốt
Theo H.Trảng Bom, sau sự việc trên, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất, hướng dẫn nhà vườn đặt bẫy côn trùng, quan tâm phòng trị sâu bệnh. Đối với mã số đóng gói, cơ sở phải đầu tư bồn rửa, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật bảo đảm làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu, đóng gói đúng quy trình.
Cũng theo bà Thúy, huyện còn nhiều diện tích trồng chuối chưa có mã số vùng trồng. Trong quá trình chờ khôi phục các mã số, huyện hướng dẫn các cơ sở làm mã số mới tại khu vực còn diện tích để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trảng Bom cho hay, cơ sở có 1 mã số vùng trồng và đóng gói nhưng chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do đó, HTX đang nâng cấp 1 mã số vùng trồng, thực hiện thêm 1 mã số vùng trồng mới. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, HTX sẽ giám sát chặt chẽ các nhà vườn về 3 tiêu chí: chất lượng, sản lượng và kiểm soát sâu bệnh. Sản phẩm không đạt các tiêu chí sẽ không đóng gói xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhập chính ngạch, trong đó có yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Vì vậy, không khỏi xảy ra tình trạng chạy đua làm mã số mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng dẫn đến nhiều mã số bị tạm dừng, thu hồi.
Thực tế này là hồi chuông cảnh báo người sản xuất, đơn vị thu mua đóng gói, cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuân thủ các yêu cầu, kiểm soát chất lượng, quản lý mã số được cấp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, mã số vùng trồng cũng như tiêu chuẩn GAP, không phải được cấp rồi là xong, mà phải duy trì thực hiện để giữ mã số. Sản xuất, thu hoạch, đóng gói phải tuân thủ quy trình, đảm bảo chất lượng. Lãnh đạo tỉnh cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu để tránh tình trạng vi phạm, dẫn đến nguy cơ mất thị trường. Có chế tài xử lý với hành vi gian lận mã số, tái phạm nhiều lần.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin