Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành nông nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế

Bình Nguyên
08:11, 17/11/2023

Đồng Nai có nhiều lợi thế hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Đây là lợi thế lớn để thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu. Tỉnh cũng định hướng trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại và chế biến nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Đặc biệt, Đồng Nai đã thu hút được nhiều tập đoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp.

Chế biến nông sản tại một doanh nghiệp ở H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Chế biến nông sản tại một doanh nghiệp ở H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục hướng đến phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

* Thu hút nguồn vốn lớn từ FDI

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 12-2022, toàn tỉnh có 1.420 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; phân bón; thuốc thú y, thủy sản và bảo vệ thực vật; chế biến gỗ. Trong đó, có 128 DN FDI (chiếm 9% tổng DN) với nhiều tập đoàn, DN FDI đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hệ thống khép kín từ sản xuất, chế biến, phân phối gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại mang tầm khu vực và thế giới.

Đồng Nai là thủ phủ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đạt tổng công suất thiết kế trên 4,3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…

Cũng từ lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm. Hầu hết các tập đoàn đều xây dựng được chuỗi liên kết theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Điển hình như chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) hợp tác với Công ty Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản; chuỗi chăn nuôi của Công ty CP Việt Nam…

Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, nhất là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này. Tiêu biểu như Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Đồng Nai để sản xuất hạt giống bắp, lúa, rau, thuốc bảo vệ thực vật cho thị trường Việt Nam. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thuộc Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) đã chọn Đồng Nai để xây dựng nhà máy, đến nay Nestlé Việt Nam có 3 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 400 triệu USD; Vinacafé Biên Hòa; Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa…

Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều DN tư nhân cũng quan tâm đầu tư khâu chế biến. Theo đó, tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ).

* Tăng cường hợp tác quốc tế

Trong xu thế hội nhập, ngành nông nghiệp Đồng Nai xác định cần hội nhập, liên kết mạnh mẽ trong khu vực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Các chương trình hỗ trợ tiêu biểu như: tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; hỗ trợ tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; tham gia gian hàng của các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng; tham gia gian hàng chung tỉnh Đồng Nai tại hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng…

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện liên kết, nhất là thu hút đầu tư chế biến.

Đặc biệt, trong 8 tháng của năm 2023, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện về quảng bá, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Nổi bật là lễ xuất khẩu chuối tươi nhân nghị định thư xuất khẩu chuối tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết; lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên năm 2023 của tỉnh Đồng Nai sang thị trường Trung Quốc; tọa đàm Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng sức cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu…

Tham dự lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên năm 2023 của Đồng Nai sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhận xét, thời gian qua, Đồng Nai đã tổ chức thành công nhiều sự kiện về quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản. Đồng Nai nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, ngành nông nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nên đạt được những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất. Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, nhất là thực hiện tốt xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều