Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành máy móc, thiết bị chưa chú ý thị trường nội địa

Khánh Minh
09:23, 14/11/2023

Khoảng 5 năm trở lại đây, mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và có kim ngạch lớn thứ 2 trong hơn 50 mặt hàng xuất khẩu lớn của tỉnh (sau giày dép). Những năm trước, tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn nằm trong tốp đầu, thế nhưng gần 1 năm trở lại đây tăng trưởng âm.

Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng của tỉnh chỉ đạt hơn 1,88 tỷ USD, giảm hơn 300 triệu USD (khoảng 15%) so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Tình hình của nửa cuối quý IV-2023 chưa mấy sáng sủa.

Tuy nhiên, cũng trong 10 tháng của năm 2023, các DN Đồng Nai chi khoảng 1,38 tỷ USD để nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng cho dây chuyền sản xuất. Thực tế, trong ngành này tại Đồng Nai cũng như cả nước có nhiều sản phẩm đầu vào của DN này là đầu ra của DN khác nhưng chưa kết nối được để cung - cầu gặp nhau. Nói cách khác, nhiều DN chưa chú trọng đến thị trường nội địa dù tiềm năng còn rất lớn. Hiện có nhiều DN trên lĩnh vực máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng ở Đồng Nai sản phẩm làm ra, xuất khẩu từ 85-95%. Phần còn lại tuy tiêu thụ ở thị trường nội địa nhưng đa số do khách hàng từ nước ngoài yêu cầu cung cấp cho các nhà máy họ đang liên kết tại Việt Nam.

Tại Đồng Nai, sản xuất mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng phần lớn là do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu. Sản phẩm làm ra cung ứng cho hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Như vậy có thể thấy, chất lượng sản phẩm máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng sản xuất ở Đồng Nai khá tốt.

Hiện nay, khu vực Đông Nam bộ vẫn là nơi dẫn đầu cả nước trong thu hút dòng vốn ngoại vào công nghiệp. Và mỗi năm, các DN trong nước, nước ngoài của vùng phải chi hơn 10 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng. Nếu kết nối được các DN liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau để mở rộng thị phần ở nội địa thì DN trên lĩnh vực máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng sẽ có đầu ra thuận lợi hơn. Đồng thời, Việt Nam giảm nhập khẩu mặt hàng trên và tăng xuất siêu, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, khi xuất khẩu dễ hưởng ưu đãi thuế quan khi hàng hóa vào thị trường đã ký kết hiệp định thương mại
tự do.    

Khánh Minh

Tin xem nhiều