Ngày 26-11, Hội nghị điều phối vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ hai đã được tổ chức tại TP.HCM. Hội nghị đã đưa ra 3 kịch bản phát triển cho vùng ĐNB trong thời gian tới gồm: kịch bản thấp, kịch bản lựa chọn và kịch bản cao.
Với kịch bản thấp, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021-2030 khoảng 6,48%/năm; kịch bản lựa chọn tăng 8,07%; kịch bản cao tăng 9,22%. Vùng ĐNB đã chọn lựa kịch bản cao để nỗ lực phát triển thành động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước. Đồng thời, đến năm 2030, đạt ngưỡng thu nhập cao, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thực tế hiện nay, vùng ĐNB phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kinh tế tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại so với giai đoạn trước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dịch bệnh, kinh tế toàn cầu suy thoái, kết nối hạ tầng giao thông, xã hội còn yếu, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, vẫn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, ĐNB chưa hình thành rõ nét định hướng phát triển các hành lang kinh tế, vùng động lực. Do đó, vùng ĐNB cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển từng lĩnh vực. Đơn cử như công nghiệp sẽ tập trung phát triển một số ngành mũi nhọn là: cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, sản xuất chíp, robot… Lĩnh vực logistics sẽ đồng bộ với hệ thống quốc gia, quốc tế. Kết nối vùng để phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp… Từ nay đến năm 2030, vùng ĐNB cũng đưa ra danh mục trên 30 dự án quan trọng để mời gọi doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, Chính phủ nên tăng thêm nguồn vốn đầu tư công cho vùng để triển khai nhanh những dự án về hạ tầng giao thông, tạo liên kết trong vùng ĐNB với các vùng lân cận. Kinh nghiệm từ trước đến nay cho thấy, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nhanh khi đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế vùng. Theo dự báo, giai đoạn 2021-2030, vùng ĐNB sẽ cần vốn đầu tư khoảng 15,7 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ huy động từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách, phần lớn trong đó là huy động ngoài ngân sách. Muốn huy động tốt vốn ngoài ngân sách thì cần có chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.
Uyển Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin