Đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ với các nội dung lớn đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, suốt quá trình lập đồ án, có 2 nội dung về quy mô dân số và phương án phân bổ đất đai vẫn chưa có sự thống nhất cao giữa các đơn vị liên quan.
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bước vào giai đoạn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ. Ảnh: P.Tùng |
Điều này đòi hỏi các đơn vị liên quan phải có sự phối hợp, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để tránh xảy ra tình trạng quy hoạch và thực tế “vênh” nhau.
* Quan điểm khác nhau về quy mô dân số
Trong dự thảo báo cáo cuối kỳ đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về quy mô dân số của tỉnh, phía liên danh tư vấn đưa ra mức dự báo dân số của tỉnh sẽ đạt mức 4 triệu người vào năm 2030.
Theo ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn, với quy mô dân số dự báo như trên, đến năm 2030, tốc độ tăng dân số bình quân của tỉnh sẽ đạt mức 2,6% mỗi năm. Mức tăng này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (mức tăng bình quân chung cả nước gần 1,2%). Mặc dù vậy, theo ông Trường, mức tăng trưởng trên đều được tính toán có cơ sở.
Cụ thể, trong tỷ lệ tăng trưởng dân số bình quân của tỉnh đến năm 2030, đơn vị tư vấn dự báo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức khoảng 1,2% mỗi năm và tăng dân số cơ học là 1,4% mỗi năm. “Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm các đô thị, trong đó có các khu đô thị động lực lớn. Cùng với đó, H.Long Thành với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; H.Cẩm Mỹ có thêm 2 khu công nghiệp (KCN) mới nên tốc độ gia tăng dân số cơ học sẽ tăng cao” - ông Bùi Đào Thái Trường nêu quan điểm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:
Tính toán kỹ quy mô dân số
Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, đặc biệt là dự án Sân bay Long Thành. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều tuyến giao thông trọng điểm, các khu đô thị được quy hoạch thực hiện. Điều này cũng sẽ tạo sức hút thêm dân cư. Tuy nhiên, việc tính toán quy mô dân số cần được thực hiện kỹ. Ngoài tham khảo các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn cũng cần tham khảo, nghiên cứu thêm số liệu từ Ủy ban quốc gia Dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN:
Cần làm rõ thêm nội dung thực hiện mục tiêu Net Zero
Một số nội dung liên quan đến mục tiêu phát triển tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quy hoạch đã được thống nhất theo các mục tiêu nghị quyết của tỉnh. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần tính toán thêm dựa vào các mục tiêu của quy hoạch vùng và các quy hoạch liên quan khác. Nội dung về hoàn thành mục tiêu Net Zero trong báo cáo cuối kỳ cũng đã có thể hiện nhưng chưa rõ. Cần xác định mục tiêu cụ thể của tỉnh đến năm 2030 và năm 2050, bởi đây là nội dung mới. Liên quan đến nội dung này thì trụ cột phát triển thứ 5 của tỉnh là phát triển bền vững theo hướng phát triển và sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn xuyên suốt các ngành, góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của quốc gia, các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu góp ý thêm.
Quỳnh Nhi (ghi)
Khác với quan điểm trên, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn cho rằng, hiện các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung cũng đã hình thành nhiều KCN nên lực lượng lao động từ các khu vực này đến Đồng Nai làm việc không còn nhiều như trước. Mặt khác, xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh là hướng đến các dự án sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao. Điều này trái ngược với dự báo về tốc độ gia tăng dân số cơ học do đơn vị tư vấn đưa ra.
“Chúng tôi cũng đã có văn bản nêu ý kiến về quy mô dân số của tỉnh đến năm 2030 là 3,8 triệu người. Do đó, cần cân nhắc, bởi mức 4 triệu người là cao” - ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn, tính đến năm 2023, quy mô dân số của tỉnh đã đạt hơn 3,3 triệu người. |
Một thực tế khác, dù quy mô dân số ở mức 4 triệu người đến năm 2030 được cho là cao nhưng việc phân bổ giữa các địa phương cũng chưa phù hợp, trong đó có nhiều địa phương cho rằng, quy mô dân số theo phân bổ của đơn vị tư vấn là thấp.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho hay, theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-2023, quy mô dân số dự kiến của thành phố đến năm 2030 đạt từ 1,5-1,6 triệu người. Tuy nhiên, trong phương án của đơn vị tư vấn đưa ra lại thấp hơn.
“Nhiệm vụ quy hoạch vừa mới được phê duyệt nhưng nay phương án đưa ra lại khác nên rất khó cho thành phố” - ông Nguyên cho biết.
* Băn khoăn phương án phân bổ đất đai
Trong quy hoạch tỉnh, đối với nội dung phân bổ đất đai, phương án do đơn vị tư vấn đưa ra hiện có nhiều chỉ tiêu về đất khu, cụm công nghiệp, đất giao thông, đất thể dục - thể thao… đang vượt quá so với Quyết định số 326 về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt vào tháng 3-2022. Trong khi đó, nhu cầu về đất đai của một số lĩnh vưc trên thực tế lại đang rất lớn.
Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho biết, đến năm 2030, diện tích đất giao thông trên địa bàn tỉnh là gần 21,9 ngàn ha. Như vậy, so với thời điểm năm 2020, diện tích đất giao thông phân bổ cho Đồng Nai đến năm 2030 sẽ được tăng khoảng 7 ngàn ha. Thế nhưng, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án giao thông sẽ được triển khai; Sở GT-VT kiến nghị giữ nguyên chỉ tiêu đất giao thông theo đề xuất ban đầu là hơn 26,7 ngàn ha đến năm 2030.
Đối với diện tích đất phi nông nghiệp, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, theo Quyết định số 326, đến năm 2030, tỉnh còn 7,2 ngàn ha đất phi nông nghiệp nhưng lại phải phân bổ cho rất nhiều hạng mục đầu tư. Do đó, đơn vị tư vấn cần phải làm rõ dự án nào sẽ đưa vào thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030 và dự án nào sẽ đưa vào triển khai thực hiện sau giai đoạn này để phân bổ cho phù hợp.
Cùng với đó, ông Đức cũng cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện nay diện tích đất ở rất nhiều. Trong phương án của đơn vị tư vấn cũng dành nhiều diện tích cho đất ở nên cần có sự tính toán, phân bổ hợp lý hơn. Bởi, nếu cứ tiếp tục dành quá nhiều diện tích cho đất ở thì các quy hoạch khác không có đất để thực hiện.
“Quan điểm của tôi là cần ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch để tạo đột phá cho tỉnh và các dự án, công trình tiện ích mang tính cộng đồng xã hội như: công viên, khu vui chơi giải trí công cộng…. Bởi trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu các công trình này” - ông Đặng Minh Đức nêu quan điểm.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin