Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 08/01/2025, 21:59 En

Giải pháp giảm mạnh diện tích mì bệnh khảm lá

Bình Nguyên
08:01, 04/11/2023

Dịch bệnh khảm lá lây nhiễm nhanh, khó kiểm soát do không có thuốc đặc trị đã gây nhiều thiệt hại trên cây mì. Theo đó, nhiều năm nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom) đã nhập 150 giống mì kháng bệnh khảm lá của các nước và tiến hành chọn lọc, đưa đi khảo nghiệm tính thích ứng để cung cấp cho nông dân nhiều giống mì kháng bệnh.

Ông Võ Văn Tuấn, kỹ sư bộ môn Cây có củ của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom) giới thiệu giống mì kháng bệnh khảm lá mới HN1. Ảnh: B.Nguyên

Trong năm 2023, diện tích trồng giống mì kháng bệnh không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ở một số địa phương, 100% diện tích đều trồng giống mì sạch bệnh nên diện tích cây mình bị dịch bệnh giảm mạnh so với mọi năm. 

* Tăng nhanh diện tích mì kháng bệnh

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (Sở NN-PNTT), tính đến tháng 10- 2023, toàn tỉnh trồng được gần 12,5 ngàn ha mì. Vụ hè thu trồng được hơn 8,8 ngàn ha, vụ mùa trồng được 480ha và vụ đông xuân trồng được gần 3,1 ngàn ha. Trong đó, tổng diện tích mì nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh đến nay gần 5,3 ngàn ha, chiếm hơn 42% trên tổng diện tích. Trong đó, đa số diện tích nhiễm nhẹ, còn lại khoảng 500ha nhiễm nặng. Diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá năm nay giảm mạnh so với mọi năm. Những năm trước có khi gần 100% diện tích mì của tỉnh đều nhiễm bệnh khảm lá.

Diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá ngày càng giảm nhờ nông dân quan tâm sử dụng giống kháng bệnh. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã công bố lưu hành được 6 giống mì kháng được bệnh khảm lá gồm: HN1; HN3; HN5; HN97; HN80 và HN36 cho vùng Đông Nam bộ.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, bệnh khảm lá được xem là loại bệnh hại nguy hiểm nhất thế giới với cây mì. Nếu cây trồng nhiễm bệnh giai đoạn đầu có thể làm giảm năng suất đến 90%, thậm chí không có thu hoạch.

Ông Võ Văn Tuấn, kỹ sư bộ môn Cây có củ của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cho biết, trong những giống mì kháng bệnh, hiện giống HN1 là phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Đồng Nai nhất. Giống mới này ngoài khả năng kháng được bệnh khảm lá, còn cho năng suất cao, độ tinh bột nhiều. Đặc biệt, giống HN1 còn có hệ số nhân giống cao, vì cây cao, thân thẳng hơn các giống truyền thống, mỗi thân cây có thể nhân được 17 hom mì trong khi các giống truyền thống chỉ được 10-12 hom. Hiện Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đang trồng 15ha mì giống HN1, cây sinh trưởng tốt, hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá dù được trồng xen kẽ với giống mì bị nhiễm bệnh.

Năm 2023, diện tích trồng các giống mì kháng bệnh khảm lá tăng nhanh so với mọi năm. Đến nay, 65% diện tích mì đã được nông dân trồng giống kháng bệnh. Trong đó, các huyện Định Quán và Cẩm Mỹ không còn trồng các giống mì dễ bị nhiễm bệnh. Riêng giống HN1, mới được bán ra trong năm 2023 nhưng dự ước đến cuối năm sẽ nhân rộng được khoảng 500ha trên địa bàn tỉnh.

* Lợi nhuận tốt nhờ bán giống mì kháng bệnh

Theo nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh, vài năm trở lại đây, giá mì thường ổn định ở mức tốt nên cây trồng này cho lợi nhuận ổn định. Nông dân ngày càng quan tâm sử dụng các giống mì kháng bệnh. Nhiều nông dân đi tiên phong trồng các giống mới kháng bệnh có lợi nhuận cao hơn nhờ vừa thu hoạch củ, vừa bán được hom giống kháng bệnh.

Vụ đông xuân 2022-2023, giá mì tươi bình quân bán tại vườn là 3,2 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá bán cao, nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh thu lợi nhuận tốt hơn từ cây trồng này.

Ông Nguyễn Ngọc Phong, nông dân trồng mì tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành) là người đi tiên phong ở địa phương trồng giống mì kháng bệnh khảm lá HN1 với diện tích 5ha. Theo ông Phong: “Cây mì sinh trưởng rất tốt, thân cao, tán rợp che phủ hạn chế được cỏ mọc cũng giúp nông dân giảm bớt chi phí nhân công làm cỏ. Đặc biệt, toàn bộ diện tích mì không bị bệnh khảm lá nên ngoài bán củ thì có thể bán hom giống, lợi nhuận cao hơn”.

Ông Nguyễn Thành Công, nông dân ở xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) chia sẻ, năm nay gia đình ông trồng 1ha mì nhưng sử dụng giống truyền thống. Hiện khoảng 40% diện tích mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá và có khả năng tiếp tục lan rộng hết diện tích còn lại. Cây mì bị bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, độ bột của củ, làm cho người nông dân mất thu nhập. Theo đó, ông Công đang tìm hiểu các giống mì kháng bệnh khảm lá để chuyển đổi cho vụ tới.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai Nguyễn Chí Hiền cho hay, hàng năm, Trung tâm đều quan tâm tổ chức các mô hình để nhân rộng các giống mì kháng bệnh khảm lá ra khắp địa bàn tỉnh. Trung tâm đã thực hiện trồng thử nghiệm giống mì kháng bệnh khảm lá HN1 ở H.Nhơn Trạch, H.Long Thành và sẽ tiếp tục nhân rộng ở một số huyện khác để bà con tiếp cận được giống mì ngừa bệnh khảm lá này.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều