Đến cuối tháng 10-2023, Đồng Nai mới chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 5 ngàn tỷ đồng, đạt khoảng 34% tổng số vốn hơn 14,7 ngàn tỷ đồng.
Các nhà thầu đang tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: P.Tùng |
Để đạt được mục tiêu giải ngân từ 80-95% nguồn vốn thì khoảng thời gian gần 2 tháng còn lại của năm buộc công tác giải ngân vốn đầu tư phải vào giai đoạn “chạy nước rút”.
* Phải tiêu hơn 6 ngàn tỷ đồng
Với tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 34% sau 10 tháng của năm, Đồng Nai đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Đồng thời, với mục tiêu đặt ra là phải giải ngân đạt từ 80-95% tổng nguồn vốn, trong 2 tháng cuối năm, Đồng Nai bắt buộc phải “tiêu” hết hơn 6 ngàn tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nhiều đơn vị hiện có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn ở mức thấp.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phan Trung Hưng Hà cho biết, đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao kế hoạch, trong tổng số 34 đơn vị chủ đầu tư, hiện có đến 21 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ bình quân chung của tỉnh. Trong đó có 3 đơn vị: Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Sở NN-PTNT và Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dù được giao vốn từ đầu năm nhưng đến nay chưa giải ngân. Cùng với đó, có 7 đơn vị khác tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đang ở mức dưới 10%.
Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT PHAN TRUNG HƯNG HÀ, trong thời gian còn lại của năm 2023, để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, cần tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng, bởi nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng trong kế hoạch vốn chiếm tỷ lệ rất lớn. Nếu giải ngân được nguồn vốn này thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng. |
Trong khi đó, đối với nguồn vốn do cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch, tính đến cuối tháng 10-2023, có đến 5/11 địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp hơn mức bình quân chung cấp huyện (bình quân tỷ lệ giải ngân vốn cấp huyện là hơn 34%).
Theo Sở KH-ĐT, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn đạt thấp nằm ở 4 nhóm chính gồm: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nguồn vật liệu phục vụ thi công; các quy hoạch chưa đồng bộ và tiến độ lập hồ sơ, năng lực các nhà thầu. Trong đó, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Linh cho biết, đối với các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, thời gian qua, tiến độ thi công chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chưa cao chủ yếu do các nhà thầu thiếu mặt bằng thi công.
Các nhà thầu đang tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn Ảnh: PHẠM TÙNG |
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến nhiều. Qua 10 tháng vẫn chưa có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vẫn đạt thấp.
* Phải có cam kết về giải ngân vốn
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đầu năm tỉnh đặt mục tiêu phải giải ngân trên 95% nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết thúc 10 tháng, với tỷ lệ giải ngân đã thực hiện, mục tiêu trên rất khó hoàn thành. Do đó, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của tỉnh cũng có sự điều chỉnh.
“Không thể đạt tỷ lệ trên 95% thì cũng không thể thấp hơn mức 80%. Do đó, phải nỗ lực để giải ngân nguồn vốn đạt từ 80-95%”- Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Sau một thời gian dài bị vướng mặt bằng, hiện dự án Xây dựng khu tái định cư tại xã Long Đức (H.Long Thành) phục vụ dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: P.Tùng |
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh cũng yêu cầu 21 đơn vị chủ đầu tư và 5 địa phương đang có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 80% nguồn vốn đã được giao. Đồng thời, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao cũng cần nỗ lực để đạt mức giải ngân nguồn vốn trên 95%.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, với quỹ thời gian hạn hẹp còn lại, để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là không dễ dàng. Do đó, các đơn vị liên quan cần siết chặt kỹ cương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư, các địa phương phải có cam kết bằng văn bản về việc sẽ thực hiện giải ngân đạt từ 80-95% nguồn vốn gửi về UBND tỉnh, Sở KH-ĐT để theo dõi. Đồng thời, phải có kế hoạch giải ngân cụ thể từng tuần, từng tháng của đơn vị mình. Đơn vị nào không gửi văn bản cam kết thì Sở KH-ĐT, Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để xử lý.
Cùng với việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng đề nghị các đơn vị, cán bộ phải nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Từ nay đến cuối năm, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, phải làm việc với tinh thần không nghỉ thứ bảy, chủ nhật, không nghỉ lễ để hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu các cơ quan cũng hạn chế đi công tác nước ngoài, hạn chế nghỉ phép không cần thiết để tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin