Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp thiếu vốn

Khánh Minh
07:55, 27/11/2023

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 10-2023, dư nợ tín dụng với nền kinh tế cả nước chỉ tăng hơn 6,8% so với cuối năm 2022. Riêng trong tháng 10-2023, so với tháng 9-2023, dư nợ tín dụng giảm nhẹ. Điều này chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) đang giảm dần. Như vậy đồng nghĩa với việc các DN đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Hiện thanh khoản của hệ thống tín dụng đang dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 8%, tương đương với 950 ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế.

Trong quý IV-2023, các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay vì nguồn vốn còn nhiều, thế nhưng rất khó tìm khách hàng cho vay dẫn đến tình trạng “thừa tiền”. Trong đó, có nhóm khách hàng do tình hình kinh tế khó khăn phải thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm nhu cầu về vốn, nhưng cũng có nhóm khách hàng cần vốn nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện để vay vốn. Tuy nhiên, theo nhận định của các DN, thời gian qua, lãi suất ngân hàng cho vay vẫn ở mức rất cao so với nhiều nước trong khu vực. Với tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, DN thiếu đơn hàng cho sản xuất, xuất khẩu thì lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn ở mức 10-12% là quá cao. Với lãi suất trên, nhiều DN vừa và nhỏ chọn thu hẹp sản xuất, kinh doanh để bớt rủi ro. Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất cho vay nhưng mức giảm chỉ từ 1,5-2%/năm, chưa được như kỳ vọng của DN.

Một số lĩnh vực sản xuất được ưu tiên giảm lãi suất nhiều hơn nhưng thủ tục để hưởng ưu đãi lại rất rườm rà, khách hàng khó tiếp cận. Tại Đồng Nai, đến cuối tháng 10-2023, tổng dư nợ tín dụng hơn 358,7 ngàn tỷ đồng, tăng 7,68% so với đầu năm, cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng cũng không thoát khỏi những khó khăn trên.

Theo đề xuất của các hiệp hội DN, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, DN để phục hồi, tăng trưởng kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các chính sách về tiền tệ, kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp. Trong đó, các hệ thống ngân hàng đều đã giảm mạnh lãi suất huy động thì lãi suất cho vay nên tiếp tục giảm để nhiều DN có thể tiếp cận vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi. Ngoài ra, người dân và DN cũng mong các ngân hàng sẽ đơn giản thủ tục tạo thuận lợi cho người dân, DN trong vay vốn.

Khánh Minh

Tin xem nhiều