Hưởng ứng chương trình Trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai đặt mục tiêu trồng 20 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 3 năm thực hiện, Đồng Nai đã vượt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu về cây xanh nông thôn đến năm 2025.
Lãnh đạo, nhân viên của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa) tham gia trồng rừng tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch). Ảnh: NV |
Sự thành công của chương trình là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, MTTQ, đoàn thể, các đơn vị quân đội, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Cả hệ thống chính trị đã tích cực hưởng ứng, cùng vào cuộc.
* Vượt mục tiêu đề ra
Chương trình trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức và nguồn kinh phí đa dạng như: tổ chức trồng cây xanh trên các tuyến đường, trồng rừng tập trung, ủng hộ bằng tiền để mua cây giống hỗ trợ các địa phương, đơn vị, tự tổ chức trồng, chăm sóc hàng triệu cây xanh các loại.
Gắn chương trình trồng cây xanh với các tiêu chí trong xây dựng NTM, vào tháng 5-2023, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đến năm 2025 về nội dung đánh giá tiêu chí đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn.
Cụ thể, về tiêu chí đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đối với xã NTM phải đạt ≥ 2m2/người và ≥ 4m2/người đối với xã NTM nâng cao. Trong đó, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn là đất trồng cây xanh với mục đích sử dụng công cộng, phục vụ cho nhu cầu và đảm bảo khả năng tiếp cận của mọi người dân trong điểm dân cư nông thôn gồm: đất công viên, vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa, trường học, trụ sở làm việc, các công trình tín ngưỡng, công trình công cộng, quảng trường, khu dân cư, hành lang giao thông liên thôn, liên xã, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa. Loại cây trồng gồm các loài cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích bao gồm cả cây bóng mát, cây ăn trái lâu năm (không bao gồm cây thân thảo, vườn hoa, thảm cỏ) có giá trị bảo vệ môi trường, cảnh quan, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương, vùng, miền.
Việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình xây dựng NTM. |
Theo đó, kế hoạch đặt ra trong năm 2023, toàn tỉnh trồng 4,64 triệu cây xanh. Trong đó, chủ yếu là cây lâm nghiệp với hơn 2,6 triệu cây. Ngoài ra, còn có nhiều cây trồng khác gồm cây ăn trái, cây công nghiệp, cây đô thị... trồng trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.
Để thực hiện kế hoạch trên, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh năm 2023, phân bổ hỗ trợ giống cây trồng cho các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. Kết quả, đến cuối tháng 9-2023, toàn tỉnh đã trồng được 4,2 triệu cây xanh các loại, đạt hơn 90,5% so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, ngành Lâm nghiệp tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023 với diện tích gần 3,7 ngàn ha.
* Người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng
Tháng 10 vừa qua, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa) phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành tổ chức trồng hơn 3ha rừng ngập mặn tại Làng Bè ấp Gạch Mới thuộc xã Phước An (H.Nhơn Trạch).
Tuyến đường nông thôn được trồng các cây gỗ lớn tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) |
Theo đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, doanh nghiệp cam kết phối hợp cùng tỉnh Đồng Nai trong việc hỗ trợ trồng mới và chăm sóc 10ha rừng ngập mặn trong giai đoạn 2023-2026. Hoạt động trồng rừng đã tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên trải nghiệm thực tế, giúp mọi người hiểu hơn về hệ sinh thái rừng ngập mặn, sự đa dạng sinh học... góp phần tăng diện tích rừng, lan tỏa thông điệp về tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi đánh giá, sau 3 năm thực hiện chương trình trồng cây xanh, đến nay toàn tỉnh đã trồng được hơn 11 triệu cây xanh các loại, đạt 102% kế hoạch 3 năm và đạt 55% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm. Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh thì việc trồng cây xanh càng có ý nghĩa hơn. Qua đó, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh trên địa bàn tỉnh là 52%, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 29,2%, hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra.
Việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân, nhất là trong trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ sống cao và phát triển ổn định của cây xanh được trồng. Trong đó, sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể, tổng dự toán trồng cây xanh năm 2023 là hơn 102 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tự đầu tư trồng rừng, trồng cây xanh, cây ăn trái… đạt gần 81 tỷ đồng. Nguồn đầu tư trồng rừng tại các địa phương cũng chủ yếu vận động từ xã hội hóa.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin