Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã liên tiếp kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ, Quốc hội sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để ngành Điện phát triển. Đặc biệt là phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà, vì đây là năng lượng tái tạo rất cần cho tiến trình sản xuất xanh, bền vững để hướng đến giảm phát thải về 0 vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết.
Cũng vì vướng cơ chế, chính sách nên trong tháng 5, 6-2023 đã xảy ra tình trạng thiếu điện ở một số khu vực trên cả nước và mức thiếu hụt lên đến 1,6-1,9 ngàn MW. Theo đó, nhiều địa phương ở miền Bắc buộc phải cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt. Tại Đồng Nai chưa xảy ra tình trạng thiếu điện gay gắt như các địa phương miền Bắc, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) phải đổi thời gian làm việc vào ban đêm để ứng phó với thiếu hụt công suất của hệ thống điện trong giờ cao điểm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiếu điện cung ứng cho người dân, DN các tỉnh, thành trên cả nước nhưng thực tế lại có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà dư điện không thể ký hợp đồng bán điện để hòa vào lưới điện quốc gia. Do đó, ngành Điện xảy ra nghịch lý nhiều DN đầu tư điện sạch không bán được, nhưng người sử dụng lại thiếu điện để sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, nguyên nhân chính là do hạ tầng ngành Điện thiếu và yếu, không đáp ứng kịp nhu cầu nên không đủ năng lực tiếp nhận nguồn điện sạch. Bên cạnh đó, nhiều dự án điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xong có thể phát điện nhưng lại thiếu các thủ tục nên chưa ký hợp đồng bán điện. Những vướng mắc trên đã xảy ra 3-4 năm nay nhưng vẫn chưa được tháo gỡ, dẫn đến ngành Điện thiếu mà vẫn thừa.
Năm 2023, kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều lĩnh vực sản xuất giảm đơn hàng từ 20-40% nên các DN phải thu hẹp sản xuất mà vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện. Nếu không có giải pháp tháo gỡ nhanh, năm 2024 và những năm tiếp theo, khi kinh tế thế giới phục hồi, DN có nhiều đơn hàng sản xuất thì tình trạng thiếu điện có thể sẽ trở nên gay gắt hơn. Điện rất quan trọng với hầu hết các ngành sản xuất nên để xảy ra tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các địa phương đều mong muốn Bộ Công thương, Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành chính sách khơi thông các điểm nghẽn để các DN có thể triển khai được dự án điện mặt trời mái nhà, điện gió. Đồng thời, có nhiều DN nước ngoài đang đợi chính sách điện mặt trời mái nhà được sửa đổi, bổ sung ổn định lâu dài sẽ đầu tư vào lĩnh này hàng tỷ USD và cam kết sẽ bán lại điện cho DN với giá rẻ hơn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin