10 địa phương trong lưu vực sông (LVS) Đồng Nai vừa nhất trí thông qua dự thảo nhiệm vụ quy hoạch với điều kiện đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa theo các góp ý của thành viên hội đồng thẩm định.
Hoạt động thương mại dịch vụ cảng ở hạ lưu sông Đồng Nai |
Đây là LVS lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của vùng Nam bộ. Do đó, cần có quy hoạch tổng thể để quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.
* Cần có quy hoạch cho cả lưu vực
Tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch LVS Đồng Nai) do Bộ TN-MT tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, các thành viên đều đánh giá sự cần thiết sớm ban hành Quy hoạch LVS Đồng Nai.
Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (đơn vị chủ trì dự thảo quy hoạch) Nguyễn Minh Khuyến cho biết, sông Đồng Nai là một trong những LVS lớn của cả nước. Nơi đây có nguồn nước phong phú, đang phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam bộ. Cũng như nhiều LVS khác, LVS Đồng Nai đang đối diện với nhiều thách thức liên quan đến môi trường, tài nguyên nước. Việc lập và phê duyệt quy hoạch cần phải được triển khai sớm, nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước, góp phần giải quyết các thách thức đặt ra.
LVS Đồng Nai thuộc địa giới hành chính 10 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Lưu vực được chia thành 6 tiểu vùng: thượng lưu sông Đồng Nai, hạ lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ, sông Bé, sông La Ngà và phụ cận ven biển. |
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Thế Vinh, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho biết, LVS Đồng Nai gồm dòng chính là sông Đồng Nai và 4 chi lưu sông Bé, La Ngà, Sài Gòn và Vàm Cỏ. LVS Đồng Nai đứng sau hệ thống sông Hồng - Thái Bình và sông Mê Công về quy mô nhưng là hệ thống sông nội địa lớn nhất cả nước. Ngoài các tác động tự nhiên từ thủy văn, LVS Đồng Nai còn chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở cả thượng lưu và hạ lưu.
Theo các chuyên gia, Quy hoạch LVS Đồng Nai là cơ sở xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, từng địa phương và các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước.
Ở góc độ Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ này rất cần thiết. Sở TN-MT cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu của dự thảo, đồng thời kiến nghị xem xét, bổ sung thêm chức năng sử dụng nước trên LVS; điều chỉnh chỉ tiêu lượng nước thải tại các đô thị loại 2 trở lên phải xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn nước; hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho các trường hợp cải tạo lòng, bờ sông mà không gây sạt lở, làm ảnh hưởng xấu đến tính ổn định của sông…
* Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước
Dự thảo Quy hoạch LVS Đồng Nai đề ra mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý và hài hòa lợi ích giữa các địa phương, tiểu vùng, nhất là tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đến năm 2050, bảo vệ nguồn tài nguyên nước đảm bảo số lượng, chất lượng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Phục hồi các khu vực suy giảm nguồn nước, ô nhiễm môi trường…
TS Trịnh Quang Toàn, công tác tại Trường đại học UC. Davis (Mỹ) cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy hoạch LVS. Quy tắc chung của quy hoạch này là giải quyết các vấn đề đặt ra ở hiện tại và đặt ra các mục tiêu ngắn, trung hạn để đạt được mục tiêu dài hạn. Một số quy hoạch LVS ở nước ta mới tập trung giải quyết bài toán hiện tại mà chưa cân bằng quy tắc hiện tại và định hướng tương lai. Cần có khung pháp lý và thực hiện giải pháp tổng thể bảo vệ nguồn nước cho toàn LVS.
Một số ý kiến cho rằng, nguồn nước trên LVS Đồng Nai phân bố không đều, nên phân chia chức năng khai thác. Cụ thể, dòng chính sông Đồng Nai ưu tiên khai thác nước cho dân sinh và công nghiệp ở các đô thị, khu công nghiệp; các chi lưu lớn khai thác tiềm năng thủy điện; sông, suối nhỏ và vừa ưu tiên nguồn nước phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra cuối tháng 8-2023, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, môi trường các tỉnh, thành trong vùng đang chịu nhiều áp lực từ công nghiệp, đô thị hóa và gia tăng dân số. Các địa phương cần hợp tác giải quyết các áp lực nội tại và phát sinh mới.
Về giải pháp bảo vệ môi trường LVS, Bộ trưởng TN-MT cho rằng, cần phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh; tiếp tục các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn các hoạt động tác động xấu đến môi trường.
Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch LVS Đồng Nai Lê Công Thành đánh giá, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, địa phương là thiết thực và mang tính chất xây dựng. Đơn vị thực hiện dự thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện bản dự thảo đảm bảo chất lượng và tiến độ, trình lãnh đạo Bộ TN-MT thẩm định để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin