Vừa qua, Sở TN-MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến quy định này, còn nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện, tính khả thi không cao.
Thu gom chất thải sinh hoạt tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Trang |
Là tỉnh phát sinh nhiều CTRSH, Đồng Nai đang hoàn thiện quy định quản lý chất thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
* Còn nhiều vấn đề bất cập
Bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 2 ngàn tấn CTRSH. Phần lớn chất thải từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân… được thu gom đưa về các khu xử lý (KXL) chất thải để xử lý, còn hơn 100 tấn/ngày ở khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom được tự phân loại, xử lý theo hướng dẫn. Riêng chất thải sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định. Tỷ lệ chôn lấp chất thải trơ sau xử lý của tỉnh khoảng 14%.
Tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ công tác quản lý rác thải còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu trạm trung chuyển chất thải theo tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường (có mái che, đảm bảo khoảng cách với nhà dân). Xung quanh các trạm trung chuyển phát sinh thêm hoạt động phân loại rác lấy ve chai ảnh hưởng đến việc đưa về nhà máy xử lý rác thải.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ đánh giá, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa thể đạt được kết quả như mong đợi, dù đã triển khai được 15 năm. Cần sớm thống nhất ý kiến từ các ban, ngành, tổ chức và tuyên truyền đến người dân thực hiện khi được ban hành quy định.
Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025: Triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại CTRSH. Tất cả các trạm trung chuyển được đầu tư xây dựng cải tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quy định thu gom chất thải sau phân loại bằng phương tiện xe có 2 ngăn cũng không khả thi do chi phí vận chuyển. Hiện tại đơn vị thu gom rác sẽ gom tất cả rác thải lên xe chở về nhà máy. Ngoài ra, thời gian và phương tiện thu gom chất thải sẽ không thể đáp ứng kịp thời nếu chuyển sang ban đêm (từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau) vì lượng rác thải nhiều mà thời gian lại ngắn.
* Cần hoàn thiện các quy định
Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Đồng Nai Phan Văn Hết cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ CTRSH của hộ gia đình và chất thải rắn công nghiệp thông thường của cơ sở kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng có CTRSH, cho nên nếu phân loại không rõ ràng sẽ rất khó trong thu gom, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, điểm tập kết thu gom chất thải sinh hoạt tái chế và chất thải nguy hại ở khu phố khá phức tạp, cần thành lập các tổ chức có quản lý điều hành đầy đủ, có quy chế về hoạt động giám sát quản lý môi trường.
Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay nhiều nội dung bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại rác thải đã được đưa vào những buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học. Khi quy định mới được ban hành, Sở sẽ tiếp tục phổ biến cho các trường tiếp tục thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh thực hiện.
Đại diện H.Nhơn Trạch cho ý kiến, cần hướng dẫn địa phương đầu tư các điểm tập kết rác thải về: tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn vốn. Sở TN-MT phối hợp với sở GT-VT thống nhất đồng bộ, liền mạch các quy định về thời gian thu gom rác phù hợp với người dân và đơn vị thu gom.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ cho biết thêm, Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn đến năm 2024, toàn tình đạt 20% người dân phân loại rác thải. Song song với việc hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn, cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân.
Huyền Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin