Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ “vỡ” kế hoạch sử dụng đất

Ban Mai
09:01, 10/10/2023

Chậm trễ, khó đạt chỉ tiêu được duyệt là chia sẻ của các địa phương trong thực hiện kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) năm 2023. Nguyên nhân là nơi có nhu cầu giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ thì không có chỉ tiêu; ngược lại, nơi có chỉ tiêu lại chưa có điều kiện để thực hiện.

Người dân làm thủ tục đất đai tại Bộ phận một cửa TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai
Người dân làm thủ tục đất đai tại Bộ phận một cửa TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Trong các đợt lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi, nhiều quan điểm cho rằng, quy định lập kế hoạch SDĐ đối với chỉ tiêu đất ở không còn phù hợp và nên bỏ.

* Khó đạt chỉ tiêu

Đã qua 3/4 chặng đường của năm 2023 nhưng H.Xuân Lộc mới chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp được khoảng 7/153ha. Phần diện tích còn lại là rất lớn, khả năng cao không hoàn thành trong năm nay.

Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm cho biết, việc triển khai thực hiện kế hoạch SDĐ năm 2023 trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn. Để có được chỉ tiêu trên, từ giữa năm 2022, huyện đã cho người dân đăng ký chuyển mục đích SDĐ. Sau đó, huyện đấu thầu thuê đơn vị tư vấn lập kế hoạch và cập nhật bản đồ. Tuy nhiên, không phải đề xuất bao nhiêu sẽ được duyệt bấy nhiêu và thường chỉ tiêu được duyệt thấp hơn so với đăng ký. Khi huyện cân đối lại, phân bổ cho các xã sẽ xảy ra trường hợp đăng ký, cập nhật trên bản đồ nhưng không được chuyển mục đích.

Đối với các dự án, đa phần nằm trên địa bàn TT.Gia Ray nhưng quy hoạch chung xây dựng của thị trấn chưa được duyệt dẫn đến chuyển mục đích SDĐ, thực hiện các dự án chưa được. Nhiều dự án, đặc biệt là giao thông, công trình công cộng vướng tư vấn định giá đất. Dự án đầu tư kinh doanh thì vướng quy định mới của pháp luật không khuyến khích ngành nghề sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp nên khó chuyển mục đích SDĐ.

Luật Đất đai năm 2013 quy định, hàng năm cấp huyện phải lập, trình duyệt kế hoạch SDĐ làm cơ sở giải quyết nhu cầu chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Cùng ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch SDĐ năm 2023 của huyện đang chậm. Nguyên nhân do một số dự án đang vướng pháp lý chưa giao đất được. Quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Đối với chỉ tiêu đất ở, người dân đăng ký, làm các thủ tục và huyện đã ra quyết định cho phép chuyển mục đích SDĐ nhưng lại không đủ năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích SDĐ, dẫn đến huyện phải hủy quyết định.

Tại H.Cẩm Mỹ, việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch SDĐ năm 2023, đặc biệt là chuyển mục đích SDĐ hộ gia đình cá nhân đạt thấp. Theo chia sẻ của Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Chế Văn Thành, có thể thời điểm đăng ký người dân có nhu cầu, có tài chính, nhưng đến thời điểm được phép chuyển mục đích SDĐ (khoảng 6 tháng đến 1 năm sau) lại hết nhu cầu hoặc không còn tiền nộp để chuyển mục đích SDĐ. Các chỉ tiêu đó không chuyển sang trường hợp khác được, vì không có trong danh mục số tờ, số thửa; không có trên bản đồ.

Đối với đất dự án, tại thời điểm đăng ký phải có chủ trương đầu tư, mà để có thủ tục này, đất đai phải đồng bộ hết các quy hoạch, trong khi tình trạng “lệch pha” quy hoạch nhiều dẫn đến thủ tục kéo dài. Khi làm xong thủ tục pháp lý thì hết hạn đăng ký dẫn đến phải chờ kế hoạch SDĐ năm sau. Đối với các dự án đầu tư công thì phải được bố trí vốn mới đưa vào kế hoạch SDĐ, vài năm trở lại đây các kế hoạch đấu giá đất “phá sản” nên có dự án 2-3 năm chưa triển khai được.

* Đề xuất bỏ kế hoạch SDĐ đất ở hàng năm

Trong các đợt lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi, nhiều quan điểm cho rằng, quy định lập kế hoạch SDĐ đối với chỉ tiêu đất ở không còn phù hợp và nên bỏ. Thay vào đó, trên cơ sở quy hoạch SDĐ (5 năm) được duyệt, địa phương cân đối, xem xét cho chuyển mục đích SDĐ theo nguyện vọng của người dân với điều kiện phù hợp với các quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, kinh phí để lập kế hoạch, giảm áp lực cho ngành TN-MT địa phương.

Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm cho rằng, để có được kế hoạch SDĐ phải mất gần 1 năm, đó là không kể trường hợp có sai lệch ở khâu nào đó khiến thời gian hoàn thành sẽ kéo dài. Về chi phí, chỉ tính riêng việc thuê đơn vị tư vấn lập kế hoạch đã trên dưới 1 tỷ đồng. Do đó, các địa phương mong bỏ kế hoạch SDĐ hàng năm, thay vào đó là 5 năm theo chu kỳ kế hoạch đầu tư công đối với các dự án. Tương tự, hộ gia đình cá nhân không cần đăng ký theo số tờ, số thửa và đăng ký hàng năm.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hàng năm cấp huyện phải cho đăng ký, tổ chức đấu thầu lập và trình kế hoạch SDĐ lên Sở TN-MT thẩm tra hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng thẩm định, sau đó mới ban hành quyết định phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ. Quá trình này mất nhiều thời gian nên nhiều trường hợp sẽ bị chậm, mất cơ hội đầu tư. Khi đã có kế hoạch SDĐ, tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, cấp huyện phải lập và trình bổ sung kế hoạch SDĐ cho những trường hợp chưa có trong danh mục được duyệt, quy trình tương tự lập kế hoạch SDĐ mới.

Theo đánh giá của Sở TN-MT, việc triển khai thực hiện kế hoạch SDĐ hàng năm hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhiều dự án chậm triển khai phải đề xuất đưa ra khỏi danh mục thu hồi đất. Nguyên nhân là do trong quá trình lập hồ sơ kế hoạch SDĐ, lập danh mục các dự án thu hồi đất, cấp huyện đăng ký nhiều chỉ tiêu, dự án mà chưa tính toán đến được tính khả thi, nguồn lực để triển khai thực hiện. Vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, định giá đất và tình hình kinh tế khó khăn; thiếu vốn ngân sách ở địa phương phục vụ công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng cũng tác động đến kết quả thực hiện kế hoạch.

Ban Mai

Tin xem nhiều