Một trong những nội dung quan trọng mà Ban chấp hành Hội Nông dân (ND) tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra là tập trung phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, tinh thần cho hội viên ND. Từ đó, phát huy cao vai trò nòng cốt, chủ thể trong phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh.
Mô hình du lịch vườn tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên |
Đặc biệt, xây dựng đội ngũ người ND 5 mới: “Có tư duy mới, có nhận thức mới, có kiến thức mới, có đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới”.
* Tri thức hóa ND
Hiện nay, Đồng Nai có hơn 124,7 ngàn hội viên ND đang sinh hoạt tại 899 chi hội/149 cơ sở hội thuộc 11 huyện, thành hội. Nhiệm kỳ 2018-2023, toàn tỉnh đã kết nạp mới hơn 33,3 ngàn hội viên với số hội viên xuất sắc đạt trên 46%, tăng gần 6% so với đầu nhiệm kỳ trước.
Chủ tịch Hội ND TP.Long Khánh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, trong nhiệm kỳ qua, toàn thành phố đã thành lập được 20 chi hội nghề nghiệp ND với 341 thành viên và 48 tổ hội nghề nghiệp ND với 458 thành viên. Các chi, tổ hội hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình mới như: Trồng dưa trong nhà màng, trồng mít hữu cơ; sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tổ hội nghề nghiệp du lịch sinh thái vườn…
Định hướng cho hoạt động của Hội ND tỉnh trong nhiệm kỳ mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, Hội ND tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng, triển khai các mô hình nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe con người.
Hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp tập trung vào việc trao đổi thông tin các loại giống cây trồng, phòng trừ dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm. Có những chi, tổ hội mới thành lập nhưng các thành viên là những hội viên ND giàu kinh nghiệm, có kiến thức về khoa học kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cao thu nhập hàng năm và tạo việc làm cho nhiều lao động.
“Sự ra đời của chi hội, tổ hội nghề nghiệp là hướng đi mới hết sức cần thiết, thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội” - ông Dũng nói.
Theo Phó chủ tịch Hội ND tỉnh Hồ Thị Sự, đội ngũ ND đang từng bước được “tri thức hóa”, hình thành tầng lớp ND chuyên nghiệp, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phát triển và bảo vệ Tổ quốc để người ND tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của mình và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.
* Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho ND
Đồng Nai có nhiều lợi thế về thị trường, tốc độ công nghiệp hóa nhanh tác động lan tỏa đến nông thôn, phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao… để phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô hàng hóa lớn. Tỉnh có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ ND khởi nghiệp làm giàu, đặc biệt là chính sách tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi.
Hệ thống Quỹ Hỗ trợ ND được kiện toàn ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện. Tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND toàn tỉnh hiện nay là gần 116 tỷ đồng, cho vay cho hơn 2,5 ngàn hộ với 260 dự án nhóm hộ, tăng cao so với nhiệm kỳ trước. Thu nhập của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND không ngừng tăng lên so với trước khi tham gia dự án, bình quân thu nhập tăng trung bình từ 10-15%/năm. Giải quyết việc làm cho hơn 7,4 ngàn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới mang lại hiệu quả cao tại xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu |
Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) Hà Thắng so sánh, trước đây đồng bào dân tộc Chơro ở địa phương mưu sinh chủ yếu bằng nghề rừng, cuộc sống du canh du cư rất bấp bênh. Sau này, bà con đã biết cải tạo đất để trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vay vốn để chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây có múi như: quýt, cam, bưởi... Các xã viên của HTX đều tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đăng ký sản xuất đạt chuẩn VietGAP để góp phần xây dựng thương hiệu trái cây sạch, có đầu ra bền vững hơn.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) đi tiên phong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất khi đầu tư đồng bộ từ hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch bắp, lúa; máy phun thuốc tự động…
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến, ND Việt Nam xuất sắc năm 2022 cho biết: “Vài năm trở lại đây, HTX không còn chạy theo năng suất cao mà chuyển sang trồng giống đặc sản theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, lợi nhuận từ mô hình trồng lúa đặc sản, an toàn tăng thêm từ 15-25% so với cách làm truyền thống”.
Đến thăm Đồng Nai vào cuối năm 2022, Phó chủ tịch Hội ND Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, đã đến lúc hình thành nên lớp ND trẻ khởi nghiệp để hàng hóa, nông sản của Việt Nam không chỉ tiêu thụ ổn định tại thị trường nội địa mà còn có mặt trên thị trường thế giới với chất lượng cao. Để làm được điều đó, cần có lớp ND khởi nghiệp. Phải tập cho ND ý thức khởi nghiệp, không chỉ làm nông giỏi mà phải trở thành nhà sản xuất, nắm rõ cách thức hàng hóa mình làm ra đi đến đâu, về đâu và trong chuỗi liên kết đó phải hiểu rõ những điểm nghẽn để cùng nhau tháo gỡ.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin