Huyện Tân Phú là địa phương đang có nhiều vị trí sạt lở đất. Đáng chú ý, trong số này có những vị trị đã sạt lở vào nhà dân, đường giao thông.
Điểm sạt lở đất đồi Phú Lâm 3, xã Phú Sơn. Ảnh: B.Mai |
Khắc phục các vị trí sạt lở, đồng thời rà soát các vị trí có nguy cơ cao và xây dựng phương án phòng chống là vấn đề cấp bách của địa phương.
* 7 vị trí xảy ra sạt lở đất
Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 7 vị trí xảy ra sạt lở đất; trong đó có 4 vị trí đất đồi và 3 vị trí bờ sông.
Một trong những vị trí sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân và giao thông là ngọn đồi cạnh đường 600A tại xã Phú An. Tại đây ghi nhận 3 điểm sạt lở, gồm 2 điểm cũ và 1 điểm mới. Trong phạm vi khu vực sạt lở có 2 nhà dân sinh sống.
Vị trí sạt lở lớn và nguy hiểm nhất là khu đồi nằm trên địa bàn ấp Phú Lâm 3 và Phú Lâm 1, xã Phú Sơn. Tại đây có 3 điểm đã sạt lở và 1 điểm nguy cơ cao. Đây cũng là khu vực đang triển khai dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đồi tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, nhưng vì thi công chậm, vượt ranh mốc nên tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Hiện khu vực có 12 hộ dân sinh sống, 1 cơ sở tôn giáo và 1 trường học.
Các vị trí sạt lở đất tại H.Tân Phú gồm: dọc đường 600A xã Phú An; đường 600B xã Phú Xuân; đồi xã Phú Sơn; đồi gần Trường mầm non xã Phú Trung; bờ sông ấp 8, xã Nam Cát Tiên; bờ sông La Ngà thuộc xã Phú Bình; bờ sông La Ngà thuộc xã Phú Điền. |
Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho rằng, để xảy ra tình trạng sạt lở đất như vậy có một phần trách nhiệm của địa phương. Ông dẫn chứng, vị trí sạt lở đồi Phú Sơn, năm 2018 tỉnh đã phê duyệt dự án nhưng vì địa phương chưa sát sao, nhà thầu thi công chậm dẫn đến sạt lở ngày một nghiêm trọng. Vị trí sạt lở đồi dọc đường 600A có 2 căn nhà đều là xây dựng trái phép. Tương tự, vị trí sạt lở bờ sông La Ngà đoạn qua ấp 4, xã Phú Điền, người dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang trồng cây lâu năm và nuôi thủy sản…
“Trong các nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất có việc sử dụng đất không đúng mục đích, khai thác cát trái phép” - Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho hay.
Giai đoạn cao điểm mùa mưa năm nay, trên địa bàn H.Tân Phú xảy ra nhiều điểm sạt lở đất. UBND huyện đã tổ chức đi kiểm tra, trên cơ sở đó ban hành thông báo đến người dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã cắm biển cảnh báo, bố trí nhân lực trực ở khu vực nguy hiểm, trang bị phương tiện, vật tư phục vụ trong trường hợp khẩn cấp.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy chia sẻ, lượng mưa bình quân của tỉnh khoảng 2 ngàn mm/năm, nhưng phân bố không đều. Tại khu vực phía Bắc như H.Tân Phú lượng mưa đã đạt 2,6 ngàn mm, trong khi một số huyện mới khoảng 1,3-1,6 ngàn mm. Trong tháng 7 và 8-2023, trên địa bàn H.Tân Phú và thượng nguồn xảy ra nhiều cơn mưa lớn, mực nước các sông La Ngà, Đồng Nai lên xuống thất thường, có thời điểm vượt mức báo động 3 nên xảy ra sạt lở đất. Hiện tại, mưa giảm nhưng vì địa chất đã bị ảnh hưởng nên cần quan tâm công tác phòng chống sạt lở.
* Cần giải pháp căn cơ, lâu dài
Hiện tại, UBND H.Tân Phú đã đưa ra các phương án khắc phục tạm thời cho từng vị trí sạt lở đất, đặc biệt là các vị trí ở gần nhà dân, gần đường giao thông.
Cụ thể, vị trí dọc đường 600A, UBND huyện đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú chủ trì, phối hợp với UBND xã Phú An lập hồ sơ, tổ chức vận động hoặc cưỡng chế di dời 2 hộ dân đến nơi an toàn. Tổ chức nạo vét, thu gom bùn đất sạt lở xuống mương thoát nước và mặt đường; đề xuất biện pháp phòng, chống sạt lở đồi lâu dài.
Đối với khu vực sạt lở đồi phía sau Trường mầm non Phú Trung, huyện chỉ đạo UBND xã Phú Trung phối hợp với nhà trường theo dõi chặt chẽ, thực hiện nạo vét bùn đất chảy tràn xuống cống thoát nước, nghiêm cấm tác động vào khu vực gây sạt lở thêm. Khảo sát và tham mưu cho huyện phương án chống sạt lở.
Riêng vị trí sạt lở đất đồi xã Phú Sơn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tổ chức tuyên truyền di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng triển khai và hoàn thành dự án khắc phục sạt lở.
Liên quan đến vị trí sạt lở này, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Minh Đạt Phạm Thị Bích Lộc cho biết, năm 2018, công ty được chấp thuận thực hiện dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, H.Tân Phú theo hình thức xã hội hóa, trong 2 năm (2019-2021). Quá trình thực hiện, vì dịch bệnh Covid-19 và không thỏa thuận được mặt bằng với người dân nên dẫn đến chậm hoàn thành. Hiện dự án được UBND tỉnh gia hạn lần 3 và công ty đang chuẩn bị tái khởi động.
“Hồ sơ thiết kế, chúng tôi đã gửi Sở NN-PTNT thẩm định. Việc thỏa thuận đền bù với người dân cũng xong. Dự kiến đầu tháng 11 sẽ thi công, tháng 1-2024 hoàn thành xử lý sạt lở và tháng 2-2024 hoàn công, trồng cây xanh” - bà Lộc nói.
Cũng theo bà Lộc, sở dĩ từ tháng 8 đến nay công ty không thi công dù được gia hạn vì đang trong mùa mưa, thi công sẽ gây sạt lở thêm.
Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho biết, đã yêu cầu UBND huyện rà soát các điểm sạt lở, tính toán phương án lâu dài bằng cách kè lưới đá, trồng cây, xây dựng các ta-luy. Xem xét làm nhà ở xã hội hoặc bố trí tái định cư cho các hộ phải di dời chỗ ở vì sạt lở. Tăng cường quản lý khai thác cát, đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huyện sẽ làm việc với H.Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) để có quy chế phối hợp quản lý khai thác cát trái phép.
Đối với điểm sạt lở đồi Phú Sơn, Bí thư Huyện uỷ Tân Phú yêu cầu UBND huyện làm việc với đơn vị thi công, xử lý sai phạm nếu có, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án. Huyện ủy Tân Phú cũng kiến nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú về quản lý đất đai và có trách nhiệm phòng chống sạt lở đất đồi.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin