Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai vào cuộc đua tới Net Zero (Bài 1)

Hoàng Lộc
08:02, 23/10/2023

Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là xu hướng chuyển dịch kinh tế mà mọi quốc gia đều muốn đạt được. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra các cam kết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm hướng đến mục tiêu Net Zero. Là “cái nôi” của ngành Công nghiệp, Đồng Nai đang nỗ lực đạt kinh tế xanh trong lĩnh vực này.

Bài 1: Sản xuất xanh là xu thế tất yếu

Những năm gần đây, thế giới đối mặt với nhiều thách thức do con người và thiên nhiên gây ra. Các vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy giảm hệ sinh thái đã vượt khỏi phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Xưởng sản xuất theo tiêu chí HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường) tại Công ty CP Dệt Texhong (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.LỘC
Xưởng sản xuất theo tiêu chí HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường) tại Công ty CP Dệt Texhong (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.LỘC

Vì thế, tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì sự ổn định môi trường và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu.

* Xu hướng toàn cầu

Tác động kép của dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu vài năm trở lại đây khiến thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức. Là quốc gia vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu vừa chịu tác động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam không tránh khỏi khó khăn. Từng có thời điểm, nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, không xuất được hàng hóa; cung ứng xăng dầu, điện bị đứt gãy, thiếu hụt.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết, Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng thời ủng hộ các tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí metan.

Sau sự kiện này, Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện COP26 và thống nhất ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động nhằm đạt mục tiêu Net Zero và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Việt Nam đã có các cam kết: giảm 30% khí thải metan vào năm 2030, không phát triển mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040, giữ nguyên diện tích rừng, Net Zero vào năm 2050…

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 diễn ra tháng 8-2023 tại TP.HCM, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM cho rằng, cam kết của người đứng đầu Chính phủ đã làm nước Anh và cộng đồng quốc tế phải nhìn nhận Việt Nam bằng con mắt khác. Đây là cơ sở để các DN, nhà đầu tư mạnh dạn thực hiện Net Zero.

“Net Zero là mục tiêu, tham vọng lớn. Nó không chỉ là thách thức lớn mà còn có cơ hội cho các DN. Chính phủ Anh đánh giá cao cam kết của Việt Nam đồng thời sẽ hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng để các bạn thực hiện tham vọng này” - bà Emily Hamblin cho hay.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế xanh là con đường phát triển tất yếu để không bị loại khỏi cuộc chơi thị trường và xã hội. Chính phủ đã có cam kết và đang hoàn thiện khung pháp lý nhằm đi đến mục tiêu này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang hoàn thiện các thể chế liên quan kinh tế tuần hoàn, phục hồi rừng tự nhiên và hệ sinh thái, phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Sản phẩm ống hút gỗ thân thiện với môi trường được giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022
Sản phẩm ống hút gỗ thân thiện với môi trường được giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022

Hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa ra cam kết hoặc hướng đến Net Zero theo mốc thời gian như Việt Nam. Một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Nhật Bản chậm nhất năm 2050; Trung Quốc trước năm 2060. Cam kết là bước đầu, quá trình thực hiện và kết quả mới là điều quan trọng. Nhưng nếu không có cam kết sẽ không có cơ chế, quyết tâm hành động và con đường đi đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sẽ dài hơn.

* Đồng Nai chọn phát triển bền vững

Đồng Nai là “cái nôi” của ngành công nghiệp cả nước. Sự hình thành phát triển của ngành đã kéo theo nhiều lĩnh vực đặc biệt là hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng dân số. Nhưng vì tham vọng thu hút đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng trong thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, xã hội.

Từ nhiều năm trước, các nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề cập đến chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, dự án sử dụng công nghệ cao, ít nhân công, ít gây hại cho môi trường và đem lại giá trị kinh tế cao được ưu tiên. Ngược lại, dự án thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ cũ, thuộc ngành nghề sản xuất nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường bị loại. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện chứng chỉ xanh theo yêu cầu của đối tác.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về số lượng các KCN và đã thu hút hơn 2 ngàn dự án đầu tư. Tỉnh xem thu hút vốn đầu tư nước ngoài là nguồn lực chính cho phát triển, nhưng không vì thế mà thu hút đầu tư ồ ạt. Tỉnh thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và kịp thời giải quyết khó khăn để DN hoạt động hiệu quả.

Mô hình kinh tế tuần hoàn theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam
Mô hình kinh tế tuần hoàn theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong các lần làm việc với DN nhấn mạnh, Đồng Nai lựa chọn phát triển xanh, bền vững. Do đó, các dự án đầu tư phải đưa ra lộ trình và thực hiện đạt theo tiêu chuẩn Net Zero. Khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải chuyển hướng phát triển sinh thái. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập tổ công tác của tỉnh và xây dựng chương trình/đề án giảm phát thải tiến tới đạt Net Zero của tỉnh Đồng Nai trong năm 2023 theo tinh thần COP26.

Với Đồng Nai, công nghiệp là lĩnh vực số 1, đây cũng là ngành có sức cạnh tranh quốc tế và khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nhất. Do đó, phát triển kinh tế công nghiệp xanh là giải pháp để vừa tăng trưởng kinh tế bền vững vừa ổn định môi trường, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoàng Lộc

Bài 2: Những doanh nghiệp dẫn đầu trong Net Zero

 

Tin xem nhiều