Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giảm áp lực giải trình hóa đơn cho doanh nghiệp

Ngọc Liên
08:28, 03/10/2023

Thời gian qua, việc các doanh nghiệp (DN) phải giải trình hóa đơn liên quan đến việc thực hiện Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16-5-2023 của Tổng cục Thuế (Công văn 1798) về rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp đang là gánh nặng, gây tốn kém thời gian và nhân lực của DN. Các DN mong muốn ngành chức năng sớm có hướng điều chỉnh, tránh gây khó cho DN.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia lớp tập huấn các chính sách về hóa đơn tại Cục Thuế Đồng Nai. Ảnh: N.Liên

Công văn 1798 ra đời liên quan đến vụ án mua bán trái phép hóa đơn điện tử (HĐĐT) xảy ra tại tỉnh Phú Thọ, được phát hiện vào tháng 3-2023. Qua điều tra, 524 DN bị đưa vào danh sách DN có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn (DN rủi ro). Do đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế trong cả nước rà soát hóa đơn đầu vào của các DN trên địa bàn, nếu phát hiện DN có sử dụng hóa đơn đầu vào của 524 DN rủi ro thì yêu cầu DN sử dụng hóa đơn đầu vào phải trình với cơ quan thuế.

* Áp lực rà soát hóa đơn

Theo Công văn 1798, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tập trung rà soát các hóa đơn xuất bán ra của DN rủi ro, trường hợp phát hiện DN thuộc cơ quan thuế quản lý đã sử dụng hóa đơn của DN rủi ro thì yêu cầu DN giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ thuế giá trị gia tăng/hoàn thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập DN… Qua đó, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế căn cứ hành vi vi phạm thực tế và quy định tại các văn bản pháp luật để kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an đề nghị xử lý.

Phó chủ tịch Hội Kế toán Đồng Nai Trần Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Hội Kế toán Đồng Nai cũng tiếp nhận nhiều ý kiến từ các DN liên quan đến vấn đề giải trình hóa đơn. Theo các DN, việc giải trình hóa đã làm khó cho DN, bởi thời gian trôi qua đã lâu. Trong khi đó, có những DN mỗi tháng có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giao dịch sử dụng hóa đơn. Khi nhận hóa đơn đầu vào, các DN kiểm tra có đủ các thông tin, mã số thuế được cơ quan thuế cung cấp nên DN yên tâm nhận hóa đơn. Đến nay, khi phát hiện các vi phạm của các công ty nói trên, cơ quan thuế yêu cầu DN nhận hóa đơn đầu vào giải trình là rất khó khăn, bởi DN phải rà soát lại từ đầu giao dịch để giải trình, mất rất nhiều thời gian.

Trong 8 tháng của năm 2023, Cục Thuế Đồng Nai đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hơn 2,7 ngàn DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trên 1,2 ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN và kiểm tra 1,5 ngàn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra gần 475 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trần Khang, quản lý của một DN hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách, thương mại, dịch vụ tại TP.Biên Hòa cho biết, DN cũng bị vướng một số hóa đơn liên quan đến DN rủi ro. Theo ông Khang, các hoạt động như: dịch vụ ăn uống, khách sạn… DN sẽ có các hình thức giao dịch, thông qua ký hợp đồng hoặc không cần ký hợp đồng nhưng vẫn được xuất hóa đơn nếu có yêu cầu. Đối với trường hợp yêu cầu xuất hóa đơn lẻ, nhân viên công ty khi nhận hóa đơn chỉ kiểm tra các thông tin trên hóa đơn hợp pháp. Thậm chí, có trường hợp tên khách sạn không trùng khớp với tên công ty xuất hóa đơn, nhân viên thắc mắc thì được giải thích tên DN xuất hóa đơn chính là đơn vị quản lý khách sạn. Không chỉ ông Khang, tình trạng này cũng xảy ra ở một số DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch…

* Cần có giải pháp hài hòa giữa cơ quan thuế và DN

Thông tin từ Bộ Tài chính, thời gian qua, các cơ quan thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng khác phát hiện hàng loạt DN có hiện tượng mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa các khoản hàng hóa mua bán trôi nổi trên thị trường, các khoản chi phí tính thuế thu nhập DN, để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách nhà nước. Điển hình là vụ án 524 DN rủi ro ở Phú Thọ.

Để vừa bảo đảm việc sử dụng hóa đơn theo quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, một số DN cho rằng, hiện nay tất cả hóa đơn đã chuyển sang HĐĐT, cơ quan thuế nắm rõ từng hóa đơn của DN chỉ trong vài phút. Do đó, cơ quan thuế cần thông tin ngay đến DN danh sách các DN có rủi ro về hóa đơn; khi yêu cầu DN giải trình, cơ quan thuế cần cung cấp rõ thời điểm ghi nhận hóa đơn đầu vào của DN. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần khoanh vùng các DN qua việc kết nối với hệ thống các ngân hàng thương mại để nắm bắt hoạt động giao dịch của các DN. Ngược lại, DN phải theo dõi, cập nhật thông tin DN có rủi ro; tìm hiểu kỹ thông tin DN cung cấp hóa đơn đầu vào qua các kênh dịch vụ cung cấp thông tin hoặc trang web của các cơ quan quản lý về DN.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng, việc rà soát sử dụng hóa đơn trong các DN nhằm tăng tính minh bạch trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng của DN. Đây cũng là những yêu cầu được quy định theo Luật Quản lý thuế. Theo đó, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, người nộp thuế có nghĩa vụ phải chấp hành yêu cầu của cơ quan thuế. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, thời gian qua đã nghe những ý kiến từ DN phản ánh về vấn đề giải trình. Qua đó, Cục Thuế Đồng Nai sẽ xem xét và có phương án hợp lý đề xuất Tổng cục Thuế nhằm tạo sự đồng thuận giữa DN và ngành thuế.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều