Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến chất thải thành gạch, ngói

Hoàng Lộc
09:03, 12/10/2023

Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) đang sản xuất gạch, ngói, cọc bê tông từ chất thải. Trong bối cảnh nguồn vật liệu xây dựng ngày một khan hiếm, chất thải gia tăng, việc tái sử dụng này là giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và mang lại lợi ích lớn về kinh tế.

Sản phẩm ngói cao su làm từ rác thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2. Ảnh: H.Lộc
Sản phẩm ngói cao su làm từ rác thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2. Ảnh: H.Lộc

Do đó, cần có chính sách ưu tiên cho DN tái chế và nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng.

* Làm vật liệu xây dựng từ rác

Với suy nghĩ chất thải của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm hữu ích từ rác, một trong số đó là vật liệu xây dựng.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 Huỳnh Phước Lộc cho biết, DN đang sản xuất các sản phẩm: ngói, gạch cao su làm từ rác thải nhựa; gạch, ngói tái chế làm từ bùn thải, tro xỉ và cát. Các sản phẩm này đều đã được kiểm định về độ an toàn, độ bền. Đáng chú ý, dòng sản phẩm gạch, ngói cao su chịu được mưa đá, va đập mạnh có thể dùng cho vùng thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 Bùi Xuân Hùng chia sẻ thêm, các vụn thải đế giày, túi ny-lông thu gom từ các nhà máy sản xuất thay vì đem đốt, chôn lấp, công ty ép thành tấm ván theo nguyên lý gia nhiệt của Đức. Từ tấm ván chế tạo ra các sản phẩm nội, ngoại thất. Các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã không thua kém sản phẩm mới. Ngoài ra, còn có ưu điểm giá thành thấp, thân thiện với môi trường.

Theo Bộ TN-MT, bình quân mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường. Trong đó, 90% xử lý theo cách chôn, đốt và chỉ khoảng 10% được tái chế. Các chất thải rắn khác tỷ lệ tái chế cũng đạt thấp.

Tại Công ty TNHH Thương mại môi trường Thiên Phước, chủ đầu tư khu xử lý chất thải ở xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) đã tái chế gạch không nung từ chất thải.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bé, Giám đốc công ty, để giảm lượng chất thải phải chôn lấp ra môi trường, công ty áp dụng công nghệ ép tro xỉ và bùn thải thành gạch lỗ. Sản phẩm có thể dùng cho các công trình xây dựng dân dụng mà vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật và môi trường.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, sử dụng chất thải, phế thải giá trị thấp để sản xuất vật liệu xây dựng là ý tưởng rất tốt, vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên vô tận là rác, vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Giải pháp này phù hợp với xu hướng chung của thế giới là phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đối với các vật liệu xây dựng tái chế từ rác, ông Sỹ cho rằng còn nhiều dư địa phát triển. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu rác không bị cạn kiệt mà ngày một gia tăng. Thứ hai, chưa có nhiều cơ sở đầu tư sản xuất. Thứ ba, tương lai nhu cầu sử dụng gạch tái chế để lót vỉa hè đường, làm lối đi trong công viên, sân trường sẽ tăng. Bên cạnh đó, nếu làm được bê tông tái chống lũ, chống sạt lở thay cho cọc tre, gỗ, đất, đá sẽ càng tốt.

* Cần cơ chế khuyến khích sản xuất, tiêu dùng

Hiện nay, ở các nước tiên tiến, việc sản xuất và sử dụng sản phẩm tái chế đã khá phổ biến. Tại Việt Nam, do công nghệ, thiết bị phải nhập khẩu, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng nên sản phẩm tái chế vẫn còn khiêm tốn. Trong bối cảnh nguồn vật liệu xây dựng ngày càng khan hiếm, khai thác gỗ bị hạn chế, tái tạo chất thải là giải pháp mang lại lợi ích kép.

Ông Vũ Sơn Lâm, Chủ nhiệm CLB Tái chế nhựa làm gạch sinh thái tại TP.Long Khánh chia sẻ, để góp phần giảm thiểu rác thải, CLB tổ chức thu gom túi ny-lông, làm sạch rồi nhét chặt vào các chai nhựa. Gạch này được dùng làm bồn hoa, kệ sách, bàn ghế thay cho gỗ, gạch bằng đất nung. Sau hơn nửa năm triển khai, đã có khoảng 3,5 ngàn viên gạch được tạo ra từ hơn
1 ngàn tấn bao ny-lông.

Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Trần Nguyễn (ở TP.HCM) Trần Văn Đang cho rằng, để phổ biến sản phẩm tái chế, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho các DN tiên phong trong sản xuất, phân phối. Có thể cho sản phẩm tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, cơ sở nào có tỷ lệ tái chế chất thải cao thì được quy đổi tín chỉ carbon được phát thải…

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách liên quan đến giảm phát thải, tái chế và tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đưa ra cam kết quốc tế giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Vấn đề cần hiện nay là có cơ chế cụ thể khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm tái chế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, nhiều năm qua, tỉnh xác định mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Việc hạn chế chôn lấp, nâng tỷ lệ tái chế chất thải là giải pháp mà các cơ quan chức năng đang quyết liệt thực hiện. Tỉnh rất cần sự tích cực đóng góp của cộng đồng DN, nhất là DN có kinh nghiệm, nguồn lực tài chính và công nghệ để tái chế rác thải.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bổ sung các dự án tái chế chất thải, đưa ra cơ chế khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực này bằng cách hình thành cụm công nghiệp chuyên tái chế, có chính sách giảm thuế đất, giảm phí môi trường và cho chủ dự án vay vốn lãi suất thấp từ các quỹ để đầu tư dây chuyền, công nghệ biến chất thải thành sản phẩm hữu ích.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều