Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển đô thị ở vùng động lực phía Nam

Phạm Tùng
09:18, 23/09/2023

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được định hình sẽ là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia. Đây là vùng không chỉ có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế mà cũng là một trong những vùng được kỳ vọng sẽ có những sự bứt phá trong phát triển đô thị.

Vùng động lực phía Nam có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa
Vùng động lực phía Nam có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa

Sự năng động trong phát triển kinh tế của vùng động lực phía Nam chính là sức hút lớn trong việc thu hút dân cư và hình thành các đô thị mới.

* Quy tụ động lực phát triển

Theo Tờ trình về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ KH-ĐT trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế được xác định rõ ràng. Đó là phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Trong đó, đối với phát triển các vùng động lực quốc gia, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, sẽ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, những năm qua, vùng ĐNB đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trính phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, vùng Đông Nam bộ đến năm 2025 dự kiến có thêm 10 đô thị, đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.

Trong vùng ĐNB, “tứ giác” kinh tế TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu. Năm 2022, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 trong số 4 địa phương trên cả nước có tổng thu ngân sách đạt trên 100 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có tổng thu ngân sách đạt trên 60 ngàn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng quan trọng đang được triển khai xây dựng như: Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng, vùng ĐNB nói chung và vùng động lực phía Nam nói riêng sẽ được gia tăng thêm các động lực phát triển.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, với các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai thực hiện, khi hoàn thành xây dựng sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới.

* Liên kết phát triển đô thị

Những cơ hội mới trong phát triển kinh tế thời gian tới của vùng động lực phía Nam cũng sẽ mở ra tiềm năng rất lớn đối với khu vực này trong phát triển đô thị.

Đơn cử như vùng liên kết đô thị TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Đây là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Với sự tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp là điều kiện thuận lợi để thu hút dân cư và hình thành các khu đô thị mới. Thực tế cũng đã cho thấy, sự phát triển của các đô thị mới trong vùng là minh chứng khá rõ ràng cho tốc độ đô thị hóa và sức hút của khu vực đối với dân cư.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương, hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển giao thông của mỗi đô thị nói chung và khu vực liên kết đô thị nói riêng. Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là điều kiện phát triển ổn định và bền vững. Hệ thống giao thông không chỉ phục vụ nhu cầu lưu thông trong tỉnh, thành phố mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước. Đối với vùng ĐNB nói chung và khu vực liên kết phát triển đô thị TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, mạng lưới giao thông phân bố tương đối đồng đều, khá thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển giữa các đô thị với nhau, cũng như với các khu vực khác trong cả nước.

Chính vì vậy, với các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng đang được triển khai, tiềm năng phát triển đô thị cũng sẽ được gia tăng. “Những trung tâm thương mại, dịch vụ, những khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều dự án phát triển khu dân cư hình thành dọc theo các tuyến đường và nó sẽ tạo sự thúc đẩy phát triển đô thị tại khu vực vùng liên kết” - ông Lý Thành Phương chia sẻ.

Ngoài các tuyến đường bộ, trong quy hoạch, các địa phương trong vùng động lực phía Nam cũng đang quy hoạch xây dựng các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị. Điều này cũng sẽ mở ra thêm các cơ hội phát triển đô thị, nhất là mô hình đô thị TOD dựa vào các tuyến đường sắt đô thị. Một khu vực khác mà các địa phương trong vùng cũng đang nhắm đến để khai thác tiềm lực kinh tế, trong đó có phát triển đô thị là khu vực ven sông.  

Mặc dù vậy, quá trình phát triển đô thị tại khu vực liên kết giữa các địa phương trong vùng động lực phía Nam thời gian qua cũng bộc lộ sự bất cập là sự phát triển chưa đồng đều. Trong khi các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự phát triển đô thị khá tốt tại khu vực giáp ranh thì Đồng Nai lại đang tỏ ra hụt hơi. Tại các khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai với Bình Dương như các phường Hóa An, Tân Hạnh hay các xã của H.Long Thành trong khu vưc giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quá trình phát triển đô thị đang tỏ ra khá trầm lắng.

Do vậy, để phát triển đô thị tại các vùng tiếp giáp vốn đang có tiềm năng khá lớn về sự phát triển vì sự cộng hưởng của các vùng lân cận, điều cần khắc phục chính là đảm bảo bằng luật pháp và các tiêu chuẩn xây dựng để cho các khu dân cư mới, khu đô thị mới đạt tiêu chuẩn về tiện ích đô thị.         

Phạm Tùng

Tin xem nhiều