Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận diện cơ hội, thách thức cho hàng Việt xuất khẩu

Uyển Nhi
08:01, 28/09/2023

Trong tháng 9-2023, đại diện nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, UAE… đã đến TP.HCM tìm nhà cung cấp hàng hóa ở Việt Nam. Dự kiến của các tập đoàn trên là sẽ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để mua hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ của các tập đoàn trên toàn thế giới.

Việc này mở ra cơ hội lớn cho nông dân, DN trên cả nước, vì nếu hàng hóa sản xuất đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kênh bán hàng này sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam đến được nhiều thị trường trên thế giới với số lượng lớn thông qua các thương hiệu bán lẻ lớn trên toàn cầu như: Amazon, Walmart (Hoa Kỳ); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Carrefour, Decathlon (Pháp); Coppel (Mexico); LuLu (UAE)... Những mặt hàng các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tìm kiếm nhiều ở Việt Nam là: thực phẩm, trái cây, giày dép, ba lô, túi xách, hàng gia dụng, nội thất, đặc sản các vùng miền…

Theo đại diện các tập đoàn bán lẻ, hiện nay các tập đoàn bán lẻ đều chọn phương án đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo nguồn hàng phong phú, chất lượng và bền vững. Việt Nam được nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới chú ý và đang tìm những DN đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn. Để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn bán lẻ thì sản phẩm phải đảm bảo giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt. Đặc biệt, sản phẩm phải sản xuất theo quy trình tuần hoàn, ít phát thải để góp phần chống biến đổi khí hậu.

Các tiêu chí mua hàng của những tập đoàn bán lẻ thế giới cũng là thách thức lớn với nông dân, DN Việt Nam, bởi liên quan trực tiếp đến nhiều khâu trong sản xuất, chế biến và đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà (nhà nông - DN - nhà khoa học - ngân hàng - Nhà nước). Có như vậy, sản phẩm sản xuất ra mới đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các nước. Đây cũng là hướng đi mà nông dân, DN Việt Nam phải thực hiện, nếu không hàng hóa của Việt Nam sẽ mất đi sức cạnh tranh và bị thu hẹp thị phần trên thị trường quốc tế.

Sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh để phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu là mục tiêu chung mà các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang đặt ra lộ trình thực hiện. Trong đó, nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào kỹ thuật, cụ thể là sản phẩm muốn vào được các thị trường này phải sản xuất theo quy trình tuần hoàn, xanh, phát thải thấp. Do đó, nông dân, DN Việt Nam muốn đưa hàng hóa xuất ngoại buộc phải sản xuất xanh. Trong cuộc cạnh tranh này, nông dân, DN không thể đi một mình.          

Uyển Nhi

 

 

Tin xem nhiều