Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng các tiện ích về xã hội số

Hải Quân
08:27, 12/09/2023

Trong thời gian qua, bên cạnh các trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, Đồng Nai ngày càng quan tâm đến phát triển các tiện ích về xã hội số.

Khách hàng được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt ứng dụng số tích hợp nhiều tính năng về tra cứu chỉ số điện, thanh toán tiền điện trực tuyến… tại Điện lực Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu phục vụ xã hội số như: hạ tầng bưu chính, hạ tầng GD-ĐT, KH-CN, y tế, VH-TTDL…

* Nâng cao hiệu quả kết nối

Hạ tầng về xã hội số đã và đang được tỉnh triển khai thực hiện đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối, phát triển các nền tảng, ứng dụng về xã hội số trên địa bàn.

Hiện nay, Đồng Nai có hơn 3,5 ngàn trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G/5G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, thôn/khu phố của các xã, phường, thị trấn; hạ tầng internet băng thông rộng được phủ tới 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt khoảng 86%.

Tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho trung tâm y tế các huyện/thành phố và 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Số người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt hơn 2,8 triệu tài khoản. Nhiều bệnh viện trong tỉnh đã triển khai ứng dụng đăng ký, đặt lịch khám từ xa cho người dân.

Theo kết quả đánh giá chỉ số CĐS (DTI) năm 2022 cấp tỉnh do Bộ TT-TT công bố, chỉ số về xã hội số của Đồng Nai xếp thứ 32 trên cả nước, tụt 7 bậc so với năm 2021.

Đồng thời, tỉnh tăng cường khai thác sử dụng nền tảng số - ứng dụng Đồng Nai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh cung cấp nhiều tiện ích như: thông tin thuê nhà, khuyến mãi, ăn uống, du lịch, giải trí, việc làm, phản ánh hiện trường… Tính đến nay, có hơn 6,2 ngàn lượt cài đặt ứng dụng Đồng Nai CĐS với hơn 1,1 ngàn tài khoản xác thực Ekyc (hình thức định danh khách hàng điện tử).

Các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tiện ích liên quan đến phát triển xã hội số, công dân số theo hướng hiện đại, thuận tiện; đồng thời, tạo ra các kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố nói chung và của các phường, xã trên địa bàn nói riêng đã có những chuyển biến thay đổi tích cực. Việc khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế từ cấp thành phố đến phường, xã đã thay đổi nhanh chóng, giúp TP.Biên Hòa thuận lợi hơn cho công tác CĐS, trong đó có trụ cột về xã hội số...

* Triển khai thêm nhiều tiện ích, ứng dụng

Xu thế CĐS đang là xu thế tất yếu. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai các tiện ích, ứng dụng về xã hội số, công dân số đang được tỉnh quan tâm, triển khai trên nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng thời, địa phương chủ động cải thiện, nâng cao các chỉ tiêu về phát triển xã hội số, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực GD-ĐT, du lịch, y tế, lao động, việc làm…

Theo Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2022 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, về các mục tiêu phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; 70% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT và 80% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở. Tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

Đồ họa thể hiện chỉ số xã hội số năm 2021 và 2022 của Đồng Nai do Bộ TT-TT công bố và các kết quả về xã hội số mà tỉnh đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồ họa: Hải Hà
Đồ họa thể hiện chỉ số xã hội số năm 2021 và 2022 của Đồng Nai do Bộ TT-TT công bố và các kết quả về xã hội số mà tỉnh đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồ họa: Hải Hà

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương cần cải thiện, nâng cao những chỉ số thành phần về CĐS, trong đó có chỉ số liên quan đến xã hội số một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không chạy đua theo thành tích, dàn trải mà chú trọng vào các giá trị phục vụ hiệu quả cho người dân trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Sở TT-TT và Sở GD-ĐT cần có phương án thích hợp, cụ thể để thúc đẩy công tác CĐS; cũng như rà soát, phối hợp với các đơn vị tư vấn, chuyên gia trong lĩnh vực để có lộ trình triển khai, ứng dụng các nền tảng CĐS, AI một cách hiệu quả, thiết thực…

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho biết, trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động phát triển mô hình tuyên truyền tại các địa phương, các cơ sở giáo dục… để nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS cho các công dân số tương lai, thúc đẩy phát triển xã hội số. Đồng thời, chú trọng công tác tập huấn về CĐS, đặc biệt đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân về CĐS.

Hải Quân

Tin xem nhiều