Báo Đồng Nai điện tử
En

Cầu Cát Lái xây dựng sớm sẽ tạo đột phá kinh tế vùng

Phạm Tùng
09:38, 28/09/2023

Trong khi 2 địa phương liên quan vẫn chưa thống nhất được thời điểm xây dựng cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái) thì nhiều chuyên gia cho rằng, cầu càng xây sớm sẽ càng tốt.

Hiện nay, thời điểm xây cầu thay phà Cát Lái vẫn chưa được Đồng Nai và TP.HCM thống nhất. Ảnh: P.Tùng
Hiện nay, thời điểm xây cầu thay phà Cát Lái vẫn chưa được Đồng Nai và TP.HCM thống nhất. Ảnh: P.Tùng

Việc sớm xây cầu Cát Lái không chỉ có ý nghĩa về mặt kết nối giao thông mà còn là động lực thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực logistics phát triển.

* “Nút thắt” vẫn chưa được gỡ

Trong tháng 8-2023, UBND tỉnh đã tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.HCM cho ý kiến về phương án kết nối giữa 2 địa phương, gồm cầu Cát Lái. Trong văn bản này, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến xây cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-5-2017 và quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch với quy mô 6 làn xe. Bên cạnh đó, nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái hiện đã quá tải, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Với quan điểm này, một lần nữa, giữa TP.HCM và Đồng Nai vẫn chưa có được sự thống nhất về thời điểm xây dựng cầu Cát Lái. Bởi trước đó, vào tháng 7-2023, trong văn bản lấy ý kiến về phương án kết nối giao thông giữa 2 địa phương, UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất thời điểm xây dựng cầu Cát Lái sau năm 2030, khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026-2030).

Lý do UBND TP.HCM đề xuất phương án này là bởi, Bộ GT-VT đang tiến hành đầu tư cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A - dự án Xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM) với quy mô 4 làn xe và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành cầu Nhơn Trạch vào năm 2026. Như vậy, sau khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, Thủ tướng đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Q.2 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) và H.Nhơn Trạch. Đến tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao đường vành đai 3 - TP.HCM, thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030. Từ các nội dung trên, UBND TP.HCM đề xuất thời điểm thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu Cát Lái trong giai đoạn 2026-2030 là phù hợp.

Trên thực tế, quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái đã có từ 20 năm nay. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cập nhật quy hoạch xây dựng cầu này trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22-3-2016 và quy hoạch sử dụng đất H.Nhơn Trạch. Theo đó, giai đoạn đầu tư xây dựng cầu Cát Lái là trước năm 2025. Mặc dù vậy, đến nay, trải qua rất nhiều phiên làm việc, khi phần lớn các nội dung về hướng tuyến, quy mô đã có sự thống nhất thì thời điểm xây dựng cầu Cát Lái vẫn đang có sự “lệch pha” giữa 2 địa phương.

* Hoàn thiện hạ tầng là nhu cầu cấp bách

Việc thống nhất thời điểm xây dựng cầu Cát Lái vẫn sẽ tiếp tục được 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai bàn bạc, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây cầu Cát Lái nếu được triển khai càng sớm sẽ mang lại càng nhiều lợi ích.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM cho rằng, việc các địa phương đề xuất thời điểm xây dựng cầu Cát Lái khác nhau có thể xuất phát từ việc ghi nhận ý kiến của các đơn vị tư vấn cũng như việc cân đối nguồn lực để đầu tư phù hợp. Cùng với đó, so với thời điểm trước đây, việc xây dựng cầu Cát Lái đã không còn mang tính cấp bách đặc biệt bởi dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, trong đó có xây dựng cầu Nhơn Trạch, hiện đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, xét về mặt phát triển kinh tế, việc xây dựng cầu Cát Lái nếu được triển khai càng nhanh thì càng tốt. Bởi theo TS Trần Quang Thắng, việc mở rộng, xây mới đường, cầu là rất quan trọng. Đối với cầu Cát Lái, ý nghĩa lớn là giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn nên nếu xây dựng sớm sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành logistics.

“Hạ tầng giao thông nếu càng đồng bộ, hoàn chỉnh thì việc phát triển lĩnh vực logistics sẽ càng tốt hơn” - TS Trần Quang Thắng nêu quan điểm.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đưa ra quan điểm cần sớm đầu tư cầu Cát Lái. Bởi về mặt quy hoạch, các dự án cầu kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai đã được Trung ương hoạch định đầy đủ. Về mặt hạ tầng thì đương nhiên việc đấu nối hạ tầng giao thông mang tính cấp bách, đặc biệt là cầu đường. Do đó, việc đầu tư cầu Cát Lái là rất cần thiết, không chỉ phục vụ giao thông mà quan trọng hơn cả là phát triển liên vùng.

“Nên tiến hành xây cầu Cát Lái đồng thời với cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. Càng có cầu sớm thì càng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo lưu thông tiết kiệm thời gian và tiền bạc” - TS Phạm Viết Thuận lý giải.

Cũng theo TS Phạm Viết Thuận, muốn phát triển địa phương hay đất nước thì đầu tư hạ tầng vẫn là tiêu chí hàng đầu. TPHCM muốn phát triển nhanh thì ngoài tập trung phát triển hạ tầng, còn cần tận dụng cơ chế mới để tranh thủ nguồn vốn, sớm triển khai xây dựng các cây cầu đấu nối liên vùng.   

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích