Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới, trong 5 năm tới, Việt Nam tiếp tục là nơi thu hút nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp luôn chiếm tỉ trọng nguồn vốn lớn. Công nghiệp phát triển cũng đòi hỏi Chính phủ nhanh chóng ưu tiên dòng vốn đầu tư vào hạ tầng năng lượng để đảm bảo điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vừa qua, nhiều tỉnh phía Bắc đã rơi vào tình trạng thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Các tỉnh phía Nam tuy chưa xảy ra tình trạng thiếu điện nhưng cũng phải triển khai các giải pháp tiết kiệm điện và khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sản xuất vào giờ thấp điểm.
Trong những năm tới, dòng vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước sẽ tăng cao. Các dự án đa số là xây dựng nhà máy để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Như vậy, nhu cầu về điện cho sản xuất công nghiệp sẽ rất lớn. Do đó, cần các cơ quan chức năng tính toán kỹ nhu cầu về năng lượng để từ đó quy hoạch các dự án phù hợp và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu hạ tầng kỹ thuật có sẵn, chính sách thông thoáng, Việt Nam sẽ đón được dòng vốn FDI lớn từ khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… đầu tư các dự án năng lượng xanh. Gần đây, nhiều tập đoàn FDI đã đến Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành phía Nam đề xuất triển khai các dự án điện mặt trời trên mái nhà máy ở nhiều khu công nghiệp. Tuy nhiên, chính sách đầu tư còn một số điểm nghẽn nên nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang chờ được khơi thông.
Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhu cầu về năng lượng tái tạo lớn để hướng đến nền kinh tế xanh thì Việt Nam rất cần ưu tiên đầu tư hạ tầng năng lượng, có chính sách ổn định, lâu dài, thông thoáng để hấp dẫn doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin