Hiện nay, sản xuất xanh được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. Vì khi tham gia vào thị trường thế giới, sản xuất xanh sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) tăng khả năng cạnh tranh và thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Trong sân chơi toàn cầu, nếu DN của quốc gia nào chậm chân trong chuyển đổi sang sản xuất xanh thì sẽ dần mất đi cơ hội và lợi thế. Đơn cử như ngành dệt may của Việt Nam đã từng vươn lên xếp thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng gần đây đã phải nhường lại vị trí này cho Bangladesh vì chậm chuyển đổi xanh. Cùng với đó, nhiều đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam bị mất cho những DN đã nhanh chân trong áp dụng quy trình sản xuất xanh.
Đây là bài học đắt giá để những ngành nghề khác của Việt Nam phải chú trọng hơn nữa trong thay đổi mô hình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí xanh. Từ 5-6 năm trước, các nhãn hàng quốc tế đã khuyến khích, hỗ trợ và yêu cầu những nhà máy gia công, hợp tác với mình phải có lộ trình tham gia vào kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh. Gần đây, châu Âu đã ban hành các chính sách bắt buộc hàng hóa bán vào thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững. Tương tự, nhiều thị trường lớn khác cũng đưa ra các rào cản kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu phải thân thiện với môi trường. Cụ thể, sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiêu hao ít năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhà máy sản xuất ít phát thải…
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, thành viên Ban cố vấn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 130 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 70 tỷ USD. Các DN thành lập mới đa số có quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Do đó, để phát triển và tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, DN Việt phải nghiên cứu kỹ, có kế hoạch đầu tư cho sản xuất xanh. Về phía nhà nước, cần có những hỗ trợ kịp thời cho DN về cơ chế chính sách, tín dụng xanh.
Ở Đồng Nai, mỗi năm có hơn 4 ngàn DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1,32 tỷ USD. Thế nhưng, trong số đó có bao nhiêu DN sẽ tham gia sản xuất, kinh doanh xanh để phát triển bền vững? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần có thống kê, yêu cầu các DN thành lập mới tham gia, cam kết sản xuất, tăng
trưởng xanh.
Uyển Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin