So với các khu vực khác trong cả nước, Đông Nam bộ từ lâu đã là nơi có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.
So với các khu vực khác trong cả nước, Đông Nam bộ (ĐNB) từ lâu đã là nơi có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu tất yếu để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp ở Biên Hòa. Ảnh: V.Thế |
Năng lực cạnh tranh cấp vùng là rất cao song hiện đã có những dấu hiệu chững lại, các địa phương trong vùng đang nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời tăng cường kết nối liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
* Đối diện nhiều thách thức
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì trong số các địa phương vùng ĐNB, chỉ 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước có cải thiện thứ hạng so với năm 2021. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu tiên góp mặt trong tốp 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế với vị trí thứ 4. Đây cũng là địa phương có thứ hạng đánh giá PCI cao nhất của khu vực ĐNB. Trong khi đó, các địa phương còn lại đều đứng ngoài tốp 20.
Cụ thể, năm 2022, PCI của TP.HCM xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố, hạ 13 bậc so với năm 2021. Đây là thứ hạng thấp nhất của thành phố kể từ khi khảo sát chỉ số PCI được thực hiện tại Việt Nam. Xét riêng trong khu vực vùng ĐNB, chỉ số PCI của TP.HCM xếp vị trí 2/6 sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xét trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố tiếp tục xếp cuối với khoảng cách điểm khá xa so với thành phố đứng đầu trong nhóm và xếp thứ 3 cả nước là Hải Phòng.
PCI được công bố hàng năm nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố, phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư và kỳ vọng về các nỗ lực cải cách. |
Tương tự, 2 địa phương trọng điểm khác là Bình Dương và Đồng Nai cũng có sự tụt hạng. Đồng Nai từ kỳ vọng trở lại tốp 20 và vươn lên nhóm đầu nhưng năm nay tụt hạng và chỉ xếp thứ 29, giảm 7 bậc; Bình Dương cũng nằm ngoài 30 tỉnh, thành đứng đầu cả nước trong khi đây là địa phương nhiều năm trước được các DN đánh giá cao.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Bình Phước, Tây Ninh mặc dù các địa phương này đang có nhiều nỗ lực cải thiện PCI.
Là vùng kinh tế đầu tàu cả nước nhưng ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ số PCI tại các địa phương chưa được đánh giá cao đang đặt ra nhiều vấn đề cho sự liên kết, phát triển của vùng. Khi nhìn về tổng thể, mặc dù đây vẫn là khu vực có sức hút lớn nhất trong thu hút đầu tư, song đi vào các nhân tố thành phần theo đánh giá của DN, khu vực này đang có những khúc mắc nhất định. Đơn cử tiêu chí như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức… thang điểm chưa cao đã ảnh hưởng đến việc đánh giá môi trường đầu tư, chỉ số PCI cấp tỉnh.
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng PCI vùng có cải thiện theo thời gian nhưng chưa vượt lên để xếp thứ hạng tốt nhất. Nếu xét ở mức PCI thành phần liên quan đến khuyến khích khu vực tư nhân thì hầu hết các tỉnh, thành thuộc vùng này đều ở mức trung bình so với PCI của cả nước.
Một số vấn đề quản trị vùng dài hạn còn chưa được quan tâm đúng mức như: quản trị về nguồn nước từ thượng nguồn đến hạ nguồn; kết nối chuỗi cung ứng nội vùng; hệ thống logistic liên kết vận chuyển nguyên vật liệu và lương thực thực phẩm; kết nối theo hướng chia sẻ dữ liệu và kết nối qua hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng còn nhiều hạn chế. DN vẫn còn ngán ngại chi phí không chính thức bởi đây là lực cản khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các địa phương trong khu vực.
* Các địa phương nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, tỉnh đã từng bước nỗ lực để cải thiện thứ hạng của mình, năm 2021 xếp thứ 9 và năm 2022 xếp hạng 4 là một sự đánh giá, hài lòng của cộng đồng DN. Tỉnh có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như: mô hình Ngày thứ Năm không chờ, Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói và Ký số bản đồ khổ lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn bố trí 1 buổi/tuần để đón tiếp, lắng nghe DN đến chia sẻ... Đồng thời, tỉnh đã thiết lập trang thông tin PCI và fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
PCI có 10 chỉ số thành phần là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Mỗi chỉ số thang điểm cao nhất là 10, tổng điểm của các chỉ số được dùng để phân hạng PCI các địa phương. |
Để cải thiện rõ rệt chỉ số PCI trong những năm tới, Ban TVTU Bình Phước đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ đó, cả tỉnh cùng nỗ lực nâng cao thứ hạng các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN. Bình Phước cũng đã triển khai thực hiện Ðề án Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố (bộ chỉ số DDCI) giai đoạn 2021-2025.
Với địa phương đầu tàu TP.HCM, việc tụt hạng tới 13 bậc, từ 14 xuống 27, được xem là "nốt trầm" trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm qua. Tại hội nghị nhằm triển khai các giải pháp để nâng cao các chỉ số đánh giá, trong đó có PCI của TP.HCM vừa được tổ chức ngày 11-5-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu, từ kết quả phân tích các chỉ số PAR Index, PAPI, PCI, thành phố phải tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố đặt ra nhiệm vụ phải quyết tâm tạo chuyển biến như một lời giải thích thuyết phục nhất nhằm lấy lại vị thế vốn có của mình.
Tại Đồng Nai, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trong các vấn đề được DN quan tâm thì tính minh bạch trong việc điều hành chính sách và quản trị của địa phương đang là điểm cần được cải thiện.
Tại hội nghị gặp gỡ các DN và HTX trên địa bàn Đồng Nai vừa tổ chức, lãnh đạo tỉnh cam kết cùng cộng đồng DN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của địa phương. Với lợi thế tỉnh cửa ngõ của cả khu vực miền Nam, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển và sẵn sàng đón cộng đồng DN vào tìm hiểu cơ hội hợp tác, làm ăn trên cơ sở quy hoạch chung, chuyển hướng phát triển ngành nghề sản xuất, dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh rất mong muốn nhận được sự đóng góp, hiến kế của DN với những công trình, dự án tầm cỡ nhằm thay đổi bộ mặt, tạo điểm nhấn trong việc thu hút cộng đồng DN về đầu tư, kinh doanh.
Văn Gia