Đông Nam Bộ hiện là vùng kinh tế phát triển và chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước. Cùng với đầu tư nước ngoài thì trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có DN Việt, tại các địa phương đang ngày một lớn mạnh, xây dựng được thương hiệu, đưa hàng hóa ra thế giới.
Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham quan mô hình sản xuất tại Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia |
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi những tác động bất lợi từ kinh tế toàn cầu, việc liên kết phát triển giữa các địa phương cũng như tạo cơ chế, chính sách để thu hút DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, mở rộng hoạt động của mình là rất cần thiết.
* Phát triển nhanh cộng đồng DN
Tại đầu tàu Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng năm 2023, thành phố có hơn 53 ngàn DN được thành lập, chiếm khoảng 1/3 DN mới của cả nước. Với 564 ngàn DN đã được thành lập, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng DN lớn nhất cả nước. Đây là thị trường tiêu thụ rộng lớn và là nơi có nhiều tập đoàn, DN tư nhân mạnh nhất Việt Nam.
Hiện nay, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh có 11 nội dung phối hợp song phương. Năm 2023 đã hoàn thành 4/11 nội dung; 6/11 nội dung hoàn thành một phần và 1 nội dung đang thực hiện. Một số nội dung phối hợp trọng tâm đang triển khai là các dự án thành phần của đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, 2 địa phương còn phối hợp đề xuất Chính phủ nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai; điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh... |
Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, năm 2024, thành phố đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho DN là tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số. Do đó, DN cần nỗ lực cùng hiến kế giúp chính quyền thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trên.
Tương tự, tại Đồng Nai, lũy kế từ năm 1991 đến hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 52 ngàn DN đăng ký hoạt động với tổng vốn hơn 458 ngàn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 86% DN nhỏ và vừa. Đây là loại hình DN rất cần được ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh.
Việc phát triển DN nhỏ và vừa, DN tư nhân luôn được Đồng Nai khuyến khích. Từ năm 2020, Đồng Nai đã xây dựng Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa của tỉnh. Mục tiêu của Đồng Nai nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn. Từ đó phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.
Khi nói đến sự phát triển nhanh về số lượng DN, Bình Dương được nhắc đến như một điểm sáng. Tỉnh Bình Dương định hướng phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, bền vững, là động lực cho sự phát triển về lâu dài. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 80 ngàn DN (bình quân mỗi năm có trên 7,5 ngàn DN gia nhập thị trường).
Cùng với số lượng, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng cả về chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào kinh tế của tỉnh. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng và năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân. Tỉnh cũng hỗ trợ mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong xây dựng thương hiệu DN.
* Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Phát triển DN và đầu tư từ DN trong nước đang ngày càng có vai trò quan trọng, được coi là yếu tố chủ đạo cho tương lai của khu vực. Đây là điều đã được dự báo từ trước khi các tỉnh bắt đầu chọn lọc thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường. Việc chọn lọc dự án đầu tư, nói không với các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ kéo theo số dự án và vốn đầu tư giảm mạnh.
Khi tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, hầu hết DN đều nhìn thấy và đánh giá cao tiềm năng của các địa phương trong vùng. Đến năm 2025-2026, hạ tầng của khu vực này như: đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thiện. Khi đó, cơ hội đầu tư của các DN rất lớn.
Theo Tổng giám đốc Công ty CP Chiếu xạ Ánh Dương (Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, huyện Long Thành) Nguyễn Quốc Trường, tiềm năng thu hút đầu tư của vùng nói chung và Đồng Nai nói riêng là rất lớn. Sự lựa chọn đầu tư vào Đồng Nai và Long Thành nhằm đón đầu xu thế phát triển tương lai. Do đó, DN rất mong muốn địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Vốn được coi là vùng năng động nhất cả nước, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy môi trường kinh doanh tại các địa phương trong khu vực là tăng cường đối thoại, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với DN. Trong năm 2023, đích thân bí thư, chủ tịch UBND của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đều gặp gỡ với cộng đồng DN trong nước và nước ngoài để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN.
Một mô hình sản xuất công nghiệp nông thôn tại Long Thành. |
Để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh Đông Nam Bộ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng vì khi DN hoạt động tốt sẽ kéo tỷ lệ tăng trưởng GRDP của địa phương tăng lên.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ. Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh đang nỗ lực để cải thiện nhiệm vụ này.
Riêng với Đồng Nai, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trọng tâm trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đồng hành cùng DN là phải đảm bảo tính “sẵn sàng” đáp ứng cho các yêu cầu của cộng đồng DN. Đồng Nai có mức độ phát triển kinh tế cao, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi sự cạnh tranh về thu hút đầu tư ngày càng cao thì với vị thế của mình, tỉnh sẽ có sự chọn lọc các dự án và để giữ được vị thế của mình, việc đồng hành cùng DN, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin